Monday 17 March 2014
Câu chuyện về cây đàn violin của David Garret
Tôi bắt đầu chơi violin từ khi 4 tuổi. Tuy chỉ nghe anh trai mình đàn nhưng tôi đã tỏ ra rất có năng khiếu, và bố mẹ tôi sớm nhận ra điều đó. Được học gia sư thường xuyên với những giáo viên giỏi, khi lên 7 tuổi tôi đã được chơi trong các buổi hòa nhạc, và được độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng khi lên 9. Tôi tìm được công ty quản lý đầu tiên năm lên 10 và được dán nhãn của công ty phát hành Deutsche Grammophon năm 11 tuổi – và là nghệ sĩ trẻ nhất trong lịch sử của họ. Sau khi rời trường đại học, tôi cuối cùng cũng mua được một chiếc đàn cho riêng mình. Trong nhiều năm tôi vẫn chơi chiêc đàn Stradivarius đi mượn, và mọi người vẫn thường tới hỏi tôi rằng
, “Tôi có chiếc đàn này rất tuyệt, anh có muốn thử không?” Cho đến một hôm, tôi được giới thiệu một chiếc violin đời 1772 chế tạo bởi Giovanni Guadagnini, người tự nhận là đồng môn của Stradivari. Ngay lập tức tôi biết cây đàn đó tốt hơn nhiều so với cây tôi đang chơi, và tôi hỏi, ''Bao nhiêu?'' Cây đàn có giá hơn một triệu bảng Anh (1,5 triệu đô la, tương đương với khoảng 30 tỉ tiền Việt). Tôi vay mượn và trả dần trong vòng nhiều năm – tất cả số tiền nhận được từ các buổi hòa nhạc đều lập tức được dùng để trả cho chiếc violin đó. Chiếc đàn nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu của tôi. Để đảm bảo cho mật độ biểu diễn dày đặc như dự kiến, tôi dành nhiều thời gian tập luyện hàng ngày hơn thời gian ngủ. Tôi phải tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu của cây đàn, và cách “làm việc” với nó. Giống như một mối quan hệ tình cảm vậy. Tôi trả được khoản tiền cuối cùng vào tháng 12 năm 2008. Tôi cảm giác như cuối cùng mình đã thật sự trở thành một nghệ sĩ violin – cây đàn Guadagnini giờ là của tôi. Hai tuần sau, tôi có buổi biểu diễn cuối cùng của năm ở trung tâm nghệ thuật Barbican, Luân Đôn, trong đó tôi chơi một bản concerto của Mendelssohn với dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn (London Philharmonic Orchestra). Đó là một kết thúc thắng lợi cho năm 2008. Anh trai, em gái và bố mẹ tôi cũng tới xem, và sau đó chúng tôi dự định sẽ ra ngoài ăn tối cùng nhau trước khi bay về Đức nghỉ lễ Giáng Sinh với gia đình. Tôi chỉ xuất hiện trong nửa đầu của buổi biểu diễn, nên khi nghỉ giải lao, tôi đặt cây violin vào trong hộp, đeo lên vai giống như đeo ba lô và nhanh chóng ra khỏi sảnh lớn để gặp mọi người ở bãi đỗ xe. Hôm đó trời mưa và bậc thang dẫn ra bãi đỗ xe trơn trượt hơn tôi tưởng. Vẫn đi đôi giày biểu diễn đế bằng, tôi trượt chân và ngã ngửa ra phía sau hệt như trong các vở kịch hài, và nằm hẳn lên hộp đàn như cưỡi xe trượt tuyết. Tôi không đứng dậy ngay lập tức. Cả nhà vội vàng chạy tới, nhưng lúc đó tôi không quan tâm mình có bị đau hay không, mà suy nghĩ duy nhất là chiếc violin. Tôi ngã đè lên hộp đàn với tất cả trọng lượng của mình. Tôi mua cái hộp đó vì nó nhẹ và thoải mái, chứ nó không đủ cứng. Khi mở hộp ra,
2. tôi đã biết chiếc violin không thể “sống sót”, nhưng những gì nhìn thấy vẫn khiến tôi kinh hoàng – toàn bộ thân đàn vỡ nát. Tôi không hét lên, cũng không khóc, chỉ nhìn trân trân vào nó. Tôi bị sốc. Trong cuộc sống có những khoảnh khắc khó lòng nắm bắt – thật kỳ dị. Tôi không tin được vào những gì trước mắt mình. Tôi phải ngồi đó tới 10, 15 phút. Cuối cùng, tôi gọi cho một người bạn chuyên gia về đàn violin và gọi ông ấy đến ngay lập tức để xem xét tình hình. Ông ấy chỉ nhìn qua chiếc Guadagnini và nói: “David, điều quan trọng nhất là anh không sao cả. Nhạc cụ bị hỏng hóc thế nào cũng vẫn có thể sửa được. Âm thanh của nó sẽ không được như trước nữa, nhưng anh vẫn còn trẻ, và sẽ gặp được những cây đàn khác trong đời.'' Ông ấy nói đúng, nhưng tôi vẫn cảm giác như mình mất đi một người bạn. Quá trình sửa chữa mất 7 tháng và tốn 60.000 bảng Anh. Thật may là nó có bảo hiểm. Trong lúc đó, tôi dùng những chiếc violin đi mượn, trong đó có một chiếc Stradivarius đi kèm với cả một đội bảo vệ. Chúng đều rất đẹp, nhưng tôi không thực sự cảm thấy thoải mái. Và bởi biết rằng mối quan hệ với chúng là hữu hạn nên tôi phải cố giữ thái độ khách quan. Tôi không cho phép mình yêu chúng. Sau đó, khoảng một năm trước, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ bố tôi. Ông đã nói chuyện với chủ nhân của một cây đàn Stradivarius tuyệt đẹp, vào ông ta đang muốn bán nó. Khi thử chiếc đàn, tôi mất không quá ba giây để quyết định. Đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Việc này cũng không có gì tội lỗi. Thỉnh thoảng tôi vẫn chơi chiếc Guadagnini, và tôi sẽ vẫn luôn yêu quý nó. Đôi khi tôi còn tự hỏi liệu có phải chính nó đã cứu mạng tôi hay không – nếu không đeo nó trên lưng khi ngã, tôi không chắc mình có thể đứng dậy và bước đi bình thường được. Nhưng chính vì đã làm vỡ nó mà tôi mới tìm thấy tình yêu với chiếc Stradivarius. Đó là sự thật. Tất nhiên tôi đã mua một chiếc hộp tốt hơn cho nó, nhưng tôi sẽ không mạo hiểm thêm lần nào nữa. Nếu làm vỡ chiếc đàn này, chắc chắn tôi sẽ khóc.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment