Sunday 24 February 2013
Concerto và Concertante
Ngày nay, hầu hết chúng ta chỉ chú ý tới những bản concerto nổi tiếng cho các nhạc cụ độc tấu như các concerto violon, piano của Mozart, Beethoven, hay những tác phẩm của Schumann, Tchaikovsky v.v..Nhắc tới thể loại concerto, có lẽ ai cũng biết đó là những tác phẩm viết cho một nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng với ý nghĩa là sự thi thố giữa chúng. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, concerto được phân chia thành các dạng : concerto độc tấu ( một nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc ), Concerto grosso ( hai hoặc nhiều nhạc cụ trình tấu với dàn nhạc ) và concerto ripieno ( dàn nhạc thống nhất ). Cuốí thế kỷ XVIII, concerto độc tấu trở thành một thể loại nổi bật với sự trình diễn của những nhạc công có kỹ thuật cao. Trong khi đó, cả concerto grosso và concerto ripieno đều mất đi sự hâm mộ của khán giả. Một vài phương diện của concerto grosso đã được bao hàm trong một thể loại có tên là Symphonie Concertante. Vậy thể loại này có gì khác biệt ?
Trước hết, thuật ngữ concertante xuất phát từ một động từ trong tiếng Ý - concertare, nghĩa là ghép nối cùng nhau. Thuật ngữ này biểu đạt tính độc tấu trong âm nhạc với một yếu tố tương phản giống như concerto. Ở thời kỳ Baroque, nó được sử dụng để diễn tả sức mạnh của một nhóm nhạc cụ hỗn hợp nói chung là thanh nhạc và khí nhạc, hay là sự kết hợp một nhóm thính phòng lớn hơn hoặc nhỏ hơn.Vào thời kỳ nửa sau thế kỷ XVIII ( thời kỳ Cổ điển ), concertante được sủ dụng một cách nguyên tắc mang tính khuôn mẫu để đánh giá chất lượng của những thể loại như giao hưởng và tứ tấu. Còn thuật ngữ Symphonie Concertante dùng để chỉ một tác phẩm thuộc thể loại giao hưởng với hai hoặc nhiều nhạc cụ độc tấu. Thực tế, đây là một tác phẩm concerto hỗn hợp hơn là một bàn symphonie có độc tấu.Điều đó có nghĩa rằng đây là thể loại nhấn mạnh tính độc lập và tương phản của nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc giao hưởng như một concerto bình thường.
Có thể nói concertante là sự mở rộng của thể loại concerto. Nếu concerto chỉ chú trọng tính tính độc tấu của một nhạc cụ thì Symphonie concertante bao hàm tính độc tấu của hai hoặc một nhóm nhạc cụ với dàn nhạc giao hưởng. Vì thế, khả năng biểu đạt âm nhạc của nhóm nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc là khá độc lập, tạo ra tính phong phú về màu sắc hơn concerto. Ngoài ra, thể loại này còn đòi hỏi các nhạc sĩ sáng tác phải thật am hiểu tính năng nhạc cụ, để từ đó biết cách khai thác và tạo ra được những đối đáp hòa hợp mà vẫn tương phản giữa chúng. Mặt khác, sự thống nhất và tương phản giữa giữa nhóm nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc để thể hiện một nội dung nhất định cũng là một thế mạnh của concertante. Một điều dễ nhận thấy là khả năng phát triển âm nhạc ở thể loại này cũng đa dạng hơn concerto bởi sự thi thố và tính đối đáp ở đây từ nhiều phía chứ không đơn thuần chỉ là một nhạc cụ với dàn nhạc.
Nói như vậy không có nghĩa là symphonie concertante không có mặt hạn chế. Lịch sử cho thấy thể loại này không có sức sống mạnh mẽ, không được sáng tác và biểu diễn nhiều như concerto. Có lẽ bởi chính sự đa dạng trong tính độc tấu ở concertante đã hạn chế khả năng phô diễn những kỹ thuật độc đáo của một nhạc cụ độc tấu nhất định. Cái '' tôi '' của nhạc cụ độc tấu trong thể loại này khá mờ nhạt. Vì thế những quan điểm và suy nghĩ cá nhân không được bộc lộ rõ nét. Có lẽ đó chính là điều mà các nhạc sĩ thời lãng mạn không thích ở thể loại này.
Mặc dù không tồn tại lâu, song theo chúng tôi Symphonie concertante cũng đã chiếm một vị trí nhất định trong nền âm nhạc giao hưởng thế giới, bởi nó cũng đã khá phổ biến, nhất là ở Paris từ những năm 1767 đến những năm đầu thế kỷ XIX.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment