Một số gợi ý nhỏ khi tập violin. (phần 2)
1. Thời gian cho mỗi buổi tập:
Như ở phần 1 đã nói, trong một buổi tập, chúng ta nên chia ra làm nhiều phần nhỏ để tập được hứng thú hơn. Vậy một buổi tập chúng ta nên tập bao lâu?
Thực tế là không có bất kỳ một khoảng thời gian tập luyện cố định cho tất cả mọi người. Tất nhiên có một thời gian biểu để tập luyện là rất tốt, nhưng cần phải tự lắng nghe bản thân của mình. Nếu bạn bắt ép bản thân tập luyện quá nhiều trong ngày, sẽ có khoảng thời gian bạn cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung. Khi đó, lỗi trong quá trình luyện tập sẽ xuất hiện nhiều lên, bạn cũng sẽ cảm thấy khó khăn hơn để đưa mình tập trung trở lại, khiển cho bạn cảm thấy mệt mỏi và mất dần hứng thú khi chơi đàn.
Vì vậy, hãy lắng nghe bản thân mình, để chọn ra cho bản thân khoảng thời gian tập luyện phù hợp nhất. Nếu như cảm thấy mất hứng thú, bạn có thể tạm dừng luyện tập và khi có hứng lên thì có thể cầm đàn lên ngay lập tức.
2. Lên chương trình luyện tập:
Không nên tập theo cảm hứng, bạn nên chuẩn bị trước các bài tập cho mỗi buổi tập của mình. Mỗi buổi tập, bạn nên tập trung vào một bài tập riêng, đừng luyện tập dàn trải sẽ dẫn đến hiện tượng cái gì cũng biết nhưng lại chẳng đánh được một bài ra hồn. Khi cảm thấy hoàn thiên được bài tập này thì hãy chuyển sang bài tập khác. Đừng vội vàng, ban đầu có thể bạn thấy tập lâu nhưng dần dần các buổi tập sẽ trở nên thú vị hơn và nhanh chóng hơn. Sau một thời gian luyện tập như vậy bạn sẽ thấy khả năng tăng lên đáng kể đấy.
3. Khởi động trước khi luyện tập:
Trước các bài luyện tập, bạn nên khởi động bằng các bài luyện ngón, chạy gam, tập rung để làm cho các ngón tay được dẻo dai hơn, khỏe mạnh hơn. Sau khi luyện tập các bài này, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để tiếp xúc với các bài tập.
4. Đặt mục tiêu cho mỗi buổi tập:
Có một hay nhiều hơn một mục tiêu cho mỗi buổi tập giúp bạn tập trung hơn trong mỗi buổi tập. Vào đầu buổi tập, hãy tự hỏi: "Tôi muốn tập gì hôm nay?; Mình cần tập một đoạn nhạc mới?; Sửa lỗi đoạn nhạc cũ?..." Trong khi tập đàn, ngoài việc tập trung vào đánh cho hoàn thành bản nhạc, bạn còn nên quan tâm tới: "Nhịp, phách của bài nhạc; bài này được chơi theo điệu gì?; mình đánh có sai chỗ nào không?..."
No comments:
Post a Comment