Trời đông lạnh, lọ mọ bước lên tầng 5 dãy
nhà tập thể C3 Nghĩa Tân. Căn phòng có cầu thang là một gác xép nhỏ in hằn cái
cũ kỹ, đặc trưng của kiến trúc Việt Nam mấy chục năm trước. Đã rất lâu rồi tôi
chưa trở lại nơi đây. Góc trong là một người đàn ông cũng chừng hơn 30 tuổi
đang tập đi tập lại một bản nhạc ngắn, góc bên kia là một cô gái cũng chỉ hơn
20 tuổi đang tập cầm vĩ và kéo đi kéo lại nốt nhạc. Và tất nhiên anh bạn Khánh
(Chủ blog) len giữa hai làn âm thanh và chỉ dẫn cho họ.
Bạn biết đó, âm thanh của hai người mới tập
violin va đập vào nhau…thật kinh khủng.
Khung cảnh đó bám lấy tâm trí tôi. Căn
phòng cũ nặng nề, mốc rêu như lịch sự nghìn năm lúa nước đang cong vẹo chống trọi
lại thời gian. Những tiếng âm thanh đơn lạc, tiếng vĩ cầm dạo đầu của những người
mới tập chơi. Chẳng điều gì gợi lên cái đẹp hay nghệ thuật… nhưng tôi đã cười
sau khoảng khắc đó.
Tôi thấy hình ảnh mình trong cô gái tập đàn
ở tuổi mới đôi mươi. Ngày đó tôi cũng lóc cóc trên chiếc xe đạp cào cào đến tập…nhưng
giờ ước mong về cây vĩ cầm trên vai đã dừng lại. Tôi cười và tôi biết con đường
của cô gái với vĩ cầm còn rất xa. Những bài học hay lời khuyên thật sự không đủ
nếu cô chẳng có đủ đam mê. Nhưng đích cuối con đường không quan trọng, điều
quan trọng là thời điểm hiện tại cô gái đang có một tình yêu với violin.
Còn người đàn ông hơn 30 tuổi kia. Ở tuổi
đó sẽ càng khó hơn khi quyết định tập bất kỳ một nhạc cụ nào. Cái tuổi mà bạn sẽ
không dễ dàng gì để đến với những sở thích hay tình yêu bất chợt. Với thứ tình
yêu dành cho violin lại càng khó bởi nó không phải là thú vui tiêu khiển hay
trò giải trí, khó khăn sẽ đến với bạn ngay khi cầm chiếc vĩ lên. Tôi cười, và
trân trọng những nốt nhạc của người đàn ông dũng cảm đó.
Những nghệ sĩ violin vĩ đại đều khổ luyện từ
rất bé ( 3, 4, 7… tuổi) và gần như được sống trong một môi trường âm nhạc có lịch
sử violin lâu đời. Việt Nam, hơn 60 hay 70 năm trước lấy đâu ra được một người
cha biết dạy đứa con 3 tuổi violin, lấy đâu ra một tu viện đào tạo những nghệ
sĩ chơi vĩ cầm… Nghìn năm văn hiến những vẫn lù lù một đống thứ mới cần học, mà
thực là còn học theo kiểu cò nhắt, ăn vụng, đi tắt, công nghiệp…để dẫn đầu.
Tôi nói điều đó để giải đáp cho cái suy
nghĩ, luận giải của phần đông về sự non kém của âm nhạc. Già-trẻ, mới-cũ đâu
quan trọng, đặc biệt với âm nhạc thì tâm hồn và thái độ mới thực cần. Bạn sẽ thấy
quán tính tư duy của đại chúng trong rất nhiều vấn đề. Âm nhạc cần một tâm hồn
trung thực, một tình yêu đơn sơ nhưng thuần khiết, bạn không thể lừa dối trong
âm nhạc.
Nhân tiện câu chuyện đó tôi thấy có rất nhiều
băn khoăn về mặt tâm lý, cách tư duy của những bà mẹ muốn cho con theo học violin
(hoặc nhạc cụ khác )và những người lớn muốn tập chơi.
* Thực sự với violin, đó là một nhạc cụ rất
khó chơi, đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Các nghệ sĩ thành danh đều khổ luyện từ bé.
Và giờ khi đã hơn 20 tuổi bạn mới bắt đầu thì rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu chỉ
đơn giản là thích âm thanh của nó, muốn tập chơi, thích thú khi chơi nó thì cứ
NHÍCH thôi. Bạn đâu cần phải quan tâm đến kỹ thuật, bạn cũng đâu cần phải so
sánh mình với ai? Tuổi nào cũng được.
* Trong rất nhiều ông bố, bà mẹ cho con đi
học violin hay nhạc cụ khác có tâm lý cho con đi học theo xu hướng xã hội – cho
con đi học nhạc như kiểu đi học thêm Toán, Ngoại ngữ… nên xem xét lại. Đúng là
chơi một nhạc cụ sẽ giúp con bạn thông minh hơn, phát triển cân bằng hơn nhưng
không phải khi không có tâm hồn hay niềm yêu thích thực sự. Bạn sẽ không thể
cho con bạn cảm thụ âm nhạc thông qua những đĩa DVD, bộ loa, tivi màn hình phẳng…trong
bốn bức tường. Nó cần được ngửi thấy mùi cỏ, cái hơi lạnh của mùa đông, tiếng
gió, tiếng chim… ở một thế giới thực. Nếu tự hiểu điều đó bạn sẽ tự biết cách
mang âm nhạc vào thế giới của con mình. Và tình yêu âm nhạc đến với những đứa
con nên bắt đầu lan truyền từ tình yêu âm nhạc của ba mẹ.
Cảm
ơn bạn Khánh (một nghệ sĩ không chuyên hay chưa chuyên) đang làm công việc hết
sức ý nghĩa là đưa tiếng vĩ cầm đến với một góc Hà Nội. Chúc cho âm nhạc luôn ở
trong trái tim bạn và lan truyền đến người khác. Đối với riêng tôi, cảm ơn bạn
vì giờ vĩ cầm không ở trên vai nhưng tiếng vĩ cầm vẫn còn ở trong tôi.
No comments:
Post a Comment