Monday 26 September 2016

TIẾNG VĨ CẦM Ở MỸ LAI

      “ Gặp ông, tôi luôn có cảm giác sau hình dáng cao lớn, xù xì, thô vụng là một số phận không yên ả. Nhất là khi ông cầm lấy cây đàn violon bé xíu, kê lên gờ vai rộng rãi, chắc chắn và mê mải kéo những âm thanh da diết, sôi nổi thì tôi càng tin chắc vào sự cảm nhận của mình. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ sự linh cảm ấy.”


      Đó là những dòng suy nghĩ để bắt đầu cho bộ phim nổi tiếng “ Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” – bộ phim tài liệu Việt Nam được thực hiện năm 1998 của đạo diễn Trần Văn Thủy. Bộ phim được giải thưởng phim ngắn hay nhất (Best Short Film Award) tại Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 43 được tổ chức ở Thái Lan năm 1999. Cũng trong năm nay, phim đạt giải Bông Sen Bạc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12.

      Bộ phim nói về vụ thảm sát xảy ra tại Sơn Mỹ vào ngày 16 -3 – 1968, khi quân đội Mỹ giết chết 504 dân thường trong vòng 4 giờ đồng hồ. Đây là một chủ đề rất đau thương trong lịch sử dân tộc Việt Nam nhưng phía sau đó lại gửi gắm thông điệp về sự hòa giải, hi vọng hàn gắn vết thương sau chiến tranh rằng hãy khép lại quá khứ vì nó chẳng thể thay đổi nhưng hãy nhìn nhận đúng đắn để có một hiện tại – tương lai tốt đẹp hơn.


Thảm sát tại Mỹ Lai

       Người chơi vĩ cầm chính là một cựu chiến binh Mỹ - Mike Boehm trở lại Việt Nam trong một cố gắng hàn gắn những tội ác chiến tranh đặc biệt là ở Sơn Mỹ. Bộ Phim đã được trình chiến trên sóng truyền hình Việt Nam đúng vào ngày này sau 30 năm xảy ra vụ thảm sát. Nhân kỉ niệm 30 năm xảy ra ngày thảm sát 16/03/1968 – 16/03/1998, đại sứ Mỹ tại Việt Nam là Pete Peterson và nguyên tổng thống Bill Clinton đã lên tiếng xin lỗi nhân dân Việt Nam.


       Boehm từng có một tuổi thơ buồn khi sống trong một gia đình đông anh em, nghèo khó và luôn bị người cha đánh mắng, hắt hủi. Năm 1968 ông bị bắt sang Việt Nam tham chiến và có mặt trong buổi thảm sát ở Sơn Mỹ. Sự ân hận không nguôi đã khiến ông quyết tâm quay trở lại Việt Nam. Ông đã dùng âm nhạc để nói thay cho lòng mình với lời tâm sự:

“ Tôi không phải là một người chơi violin chuyên nghiệp. Khi vào tuổi bốn mươi tôi mới tìm đến âm nhạc như một cách để giải tỏa cho mình và đã chọn chiếc vĩ cầm. Tôi say mê âm thanh của nó, và nghĩ rằng nó cũng hiểu tâm trạng tôi.”

       Khúc nhạc vĩ cầm cất lên và đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng. Nó không phải là một kiệt tác về nghệ thuật, nhưng nó là một kiệt tác từ trái tim con người đến với con người. Sự đặc biệt đó đến từ sự bình dị như chính ông nhận xét:

“  Đây là bản nhạc rất ngắn, người chơi có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Nguồn gốc của bản nhạc là từ một chương trình trên truyền hình về đề tài chiến tranh. Khi người dẫn chương trình đọc một bức thư của một người lính Mỹ gửi về cho vợ thì khúc nhạc nổi lên. Nội dung của thư thông báo người lính chuẩn bị phải tiến lên đánh miền Bắc Việt Nam. Bức thư diễn tả tình yêu tha thiết của ông ta với vợ. Nội dung lá thư và âm hưởng của bản nhạc rất gắn quyện với nhau, diễn tả một sự chia xa với tâm trạng day dứt, níu kéo. Thoạt đầu nghe bản nhạc này tôi thấy mình bị hút hồn và cố gắng học chơi bằng được. Bằng những giai điệu ấy nói được tâm trạng của tôi nhiều hơn những gì tôi muốn nói. Tôi cũng muốn âm nhạc sẽ là cầu nối giữa hai đất nước chúng ta sua bao năm chiến tranh ác liệt. Con người hãy sống nhân ái với nhau. Nhưng tôi thì chỉ là một cá nhân nhỏ bé…”

       Video phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai:


Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về vụ thảm sát ở Mỹ Lai tại đây:
          http://news.zing.vn/ky-uc-kinh-hoang-ve-tham-sat-my-lai-47-nam-truoc-post521145.html


                             Muối (tổng hợp từ Wikipedia và các nguồn khác trên Internet)

No comments:

Post a Comment

Người Theo Dõi