CHƯƠNG VI
ÂM GIAI VÀ CÁC BÀI LUYỆN TẬP
LUYỆN TẬP là cách duy
nhất để thành thạo các kĩ thuật cơ bản – rất cần thiết đối với tay trái – nó
giúp đạt được sự độc lập, dẻo dai và nhanh nhạy thông qua việc rèn luyện các
ngón tay. Điều này có nghĩa là bạn phải trải qua những bài luyện tập đặc biệt với
tinh thần kỷ luật cao trong khi theo đuổi các mục tiêu để chơi tốt và hoàn hảo ở
tất cả mức độ. Mỗi người sẽ dành những khoảng thời gian khác nhau để luyện tập
tùy thuộc vào điều kiện thể chất, tâm lý hay hoàn cảnh riêng nhưng tất cả đều phải
trải qua quá trình này dù sớm hay muộn.
Để có thể chơi thành thạo ở một trình độ nhất định
– trong khi sự hoàn hảo của nghệ thuật là vô hạn - một nghệ sỹ violin không chỉ
cần có bàn tay phù hợp với việc chơi đàn mà bản thân họ phải có khát vọng, sự kiên
nhẫn, và khả năng làm việc chăm chỉ,liên tục. Đó là một con đường dài và khó
khăn, thậm chí còn khô cằn và dễ gây nản lòng với những nghệ sĩ violin nhỏ tuổi
– khi mà hầu hết các bạn đồng trang lứa chơi trên đường phố và các công viên
công cộng.Những thiên tài hay người có năng khiếu tuyệt vời hiếm khi có cơ hội vui
chơi khi còn là trẻ con.
Để trở thành nghệ sĩ vĩ
cầm, việc học càng bắt đầu sớm càng tốt . Độ tuổi tốt nhất là khi bắt đầu học
tiểu học (từ sáu đến bảy tuổi) khi các cơ mềm dẻo và đàn hồi tốt dễ dàng cho việc
định hình và luyện tập – đây là điều kiện hỗ trợ tốt cho sự phát triển các kỹ
thuật. Trong những năm đầu tiên này, đứa trẻ cần được hướng dẫn bởi một giáo
viên tận tâm và có kinh nghiệm. Nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm lớn khi nghĩ rằng
giáo viên nào cũng có thể dạy được cho con mình ở độ tuổi này, và những giáo
viên ít kinh nghiệm cũng đủ để dạy cho những đứa trẻ mới bắt đầu. Đừng quên rằng
ngay cả những đứa trẻ có năng khiếu nhất cũng sẽ cảm thấy ghét và chán nản khi
phải theo học những giáo viên kém chất lượng ( trong cả kĩ năng giảng dạy và kĩ
năng thực hành chuyên môn) đặc biệt là trong những bài học đầu tiên - khi mà trẻ
chưa có kỹ năng điều chỉnh dây đàn, giữ vĩ, kéo vĩ theo một đường thẳng với ngựa
đàn.
Lịch sử âm nhạc và tiểu
sử của các nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại cho thấy phần lớn trong số họ bắt đầu học chơi
violin trong khoảng từ 5 tuổi đến 7 tuổi. Tôi biết Joachim, Wieniawski,
Sarasate, Wilhelmj, gần đây nhất là Elman, Zimbalist, Heifetz, Toscha Seidel,
Kathleen Parlow, Eddy Brown, Mischel Piastro, Max Rosen và các nghệ sĩ công
chúng khác đang chơi đều bắt đầu luyện tập violin ở tuổi này - khi những đứa trẻ
cùng tuổi vẫn còn đang vui đùa với những món đồ chơi.
Tôi nhấn mạnh đến mọi hy
sinh mà người mới bắt đầu phải cống hiến cho nghệ thuật vì họ cần phải trải quá
trình luyện tập khô khan nhưng bắt buộc ở giai đoạn sơ khởi này. Bước đầu tiên
cần học chơi thang âm nào? Trước tiên, hãy chơi trong tầm âm của quãng tám, chú
ý kéo nốt nhạc đúng âm chuẩn. Nếu giáo viên của bạn thực sự tận tâm, anh ta sẽ
phát hiện và chỉ ra từng nốt nhạc sai, và từ đó bạn sẽ quen với việc tự quan
sát và lắng nghe tiếng đàn của chính mình.
Đôi tai “ nhạy âm” cũng
có thể bị sai do sơ suất và âm điệu không chuẩn trong khoảng nửa cung – đây là
một lỗi thường xuyên xảy ra và bạn cần phải đặc biết chú ý. Nếu khoảng cách giữa
nửa cung không chuẩn, âm điệu của nốt nhạc sẽ không rõ ràng. Sự thờ ơ và bỏ qua
đối với vấn đề này là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới sự nghèo nàn của giai
điệu. Khoảng cách giữa bốn vị trí đặt ngón bấm đầu tiên trên dây đàn rất nhỏ,
không rõ ràng và các vị trí bấm tiếp đó không thể đo đạc được ngay cả khi dùng
kính lúp. Vì vậy, hãy cố gắng chơi đúng từng nốt nhạc và cả nửa cung để đảm bảo
có được giai điệu hoàn hảo nhất. Sau khi luyện tập thành thạo điệu trưởng và điệu
thứ trong quãng tám, bạn có thể tiếp tục với quãng hai một cách từ từ bằng cách
sử dụng kĩ thuật kéo vĩ là tách âm (detached) và sau đó là legato. Trước tiên
chơi bốn nốt trên mỗi nhịp vĩ, rồi tới tám nốt, sau đó có thể nhiều nốt hơn khi
bạn có thể kéo được âm điệu vang, rõ nét.
Giáo viên sẽ dạy tốt
hơn bằng cách thay đổi bài luyện âm thành các đoạn nhạc ngắn dễ nhớ, thậm chí
có thể hát được; đồng thời đệm nhạc bằng chiếc đàn violin thứ hai hoặc đàn piano. Điều này sẽ giúp học sinh thấy
thích thú với nhạc cụ và hăng hái hơn khi luyện tập đồng thời phát triển khả
năng nghe, cảm âm của âm.
Có rất nhiều tài liệu
giảng dạy hay mà bạn có thể sự dụng. Bạn có thể bắt đầu bằng các bài luyện tập
âm của Ernest Lent. Cuốn Nghiên cứu âm
giai và hợp âm Violin (Scales and Chord Studies for Violin) bản biên soạn của
William F. Happich, trong đó có đưa ra các lý thuyết và lịch sử về âm nhạc qua
từng thế hệ. Cuốn sách Thang âm của
Schradieck (Schradieck’s Scales) và cuốn sách đầu tiên của ông là School of Technique có các bài luyện phát
triển tay trái.
ÂM GIAI NỬA
CUNG (Chromatic Scales)
Việc luyện tập âm giai
nửa cung thường bị các học sinh violin bỏ qua, mặc dù chúng thường gặp ở phần
sau của buổi hòa nhạc. Điều quan trọng là nó phải được chơi với sự khéo léo, chính
xác và đặc biệt là học sinh phải hiểu rõ, để mỗi nốt có âm điệu rõ ràng, các
giai điệu không bị nhầm lẫn với nhau.
Cơ sở của âm giai nửa
cung là sự chuyển động nửa cung (half tone), dù
là nốt thăng hay giáng nên được thực hiện
nhanh - không phải nhịp điệu cần nhanh hơn mà là sự chuyển động của ngón tay cần
nhanh hơn. Để duy trì sự nhanh nhạy, linh hoạt của một phần các ngón tay bạn cần
luyện tập sao cho khi chơi chúng không làm ảnh hưởng đến nhịp điệu của tiếng
đàn ngay cả khi nhịp điệu đang chậm. Đây là nguyên tắc đầu tiên khi luyện âm
giai nửa cung.
Nguyên tắc thứ hai: khi
chuyển từ dây này sang dây khác mà thang âm giảm dần, cả bốn ngón tay đều được
đặt vào vị trí cùng một lúc. Việc này khiến cho âm giai không thể trượt đi hơn
nửa cung. Tiếng đàn sẽ vang lên rõ ràng và đồng đều, và trên hết, hiệu quả và
hơn nữa tiếng gằn sẽ bị loại bỏ dần.
Âm giai nửa cung nên được
thực hiện ở các vị trí khác nhau. Điều này tạo ra một hiệu ứng rất thú vị khi tiếng
đàn trở lên rõ ràng như chơi trên đàn piano mang đến hiệu quả cao và sự hấp dẫn,
ví dụ như trong Spohr Concertos. Nó không chỉ mang lại những giá trị âm nhạc mà
còn là một bài tập tuyệt vời để rèn luyện, cải thiện sự dẻo dai cho các ngón
tay.
Bạn có thể tìm thấy nhiều
tài liệu hay, thiết thực để luyện tập âm trong cuốn sách Nghiên cứu âm giai và hợp âm Violin (Scales and Chord Studies for
Violin) mà tôi đã giới thiệu ở trên. Trong đó có các bài tập arpeggio của điệu
trưởng, điệu thứ. Kết hợp thực hành theo những gợi ý của tôi để mở rộng và hoàn
thiện các kĩ thuật. Các nghệ sĩ violin trẻ đừng quên luyện tập arpeggio (hợp âm
rải) – hợp âm 7 và hợp âm 9 trong cuốn sách đó vì cả hai đều rất hữu ích để
hoàn thiện âm điệu.
NGÓN BẤM
Ngón bấm chủ yếu là một
vấn đề cá nhân: hình dáng bàn tay, cấu trúc và độ dẻo dai của các ngón tay sẽ dễ
dàng hay khó khăn trong luyện tập được xác định cụ thể dựa trên từng học sinh.
Khi ngón tay không quá to hoặc quá nhỏ sẽ không có nhiều khó khăn cho người
chơi. Khi bàn tay di thường thì các ngón tay vẫn sẽ luôn tìm ra cách để thích
nghi trong quá trình luyện tập.
Đa phần học sinh sẽ để
cho bản năng tự nhiên dẫn dắt bằng "sự nhịp nhàng của ngón tay" (
rhythmic fingering), nghĩa là sự thay đổi vị trí như thực hiện nhịp nhàng theo
bản năng.Ví dụ:
Như thế này(1)
Sẽ không như thế này:
(2)
Như thế này: (3)
Sẽ không như thế này:
(4)
Học sinh và nghệ sĩ trẻ
sẽ làm làm theo ví dụ số 1 và 3 như ở trên duy trì sự nhịp nhàng của ngón tay.
Việc này có thể sẽ phá hỏng ý nghĩa và nét đặc trưng của một đoạn nhạc.
Khả năng của một học
sinh mới bắt đầu không chỉ phụ thuộc vào tài năng, ý chí, sự kiên nhẫn của anh
ta mà còn ở sự hướng dẫn của giáo viên. Họ có thể đưa ra thử thách cho học sinh
bằng cách đặt ra một nhiệm vụ vượt quá khả năng hiện tại của anh ta, đây là thước
đo để xác định khả năng trong tương lai của họ. Nếu học sinh vượt qua - có
nghĩa là, sau một khoảng thời gian nhất định, họ có thể vượt qua được những thử
thách tương tự và đạt được thành công trong tương lai.
Bản thân tôi đã thử cách
này với học sinh của mình trong lớp học tại Nhạc viện Petrograd – cậu bé Mischa
Elman chừng mười hai hay mười ba tuổi. Tôi để cậu chơi phần thứ nhất trong bản
concerto của Tschaikovsky tại một cuộc
thi công khai. Tôi biết đây là một thử thách khó khăn, nhưng tôi vẫn thử nghiệm
để xem cậu bé có thể làm gì? Trong buổi diễn tập, khoảng 10 ngày trước khi thi,
cậu không thể chơi một đoạn cadenza trong phần ba. Sau khi để cậu thử chơi vài
lần liên tiếp, tôi nói đã nói cậu không thể chơi Tschaikovsky nên hãy chọn một
tác phẩm khác. Sau đó, với đôi mắt đẫm nước mắt cùng giọng nói quyết tâm, cậu bảo
đảm với tôi rằng lần diễn tập tới sẽ tốt hơn và sẽ khiến tôi hài lòng. Tôi nghi
ngờ về điều đó vì thời gian luyện tập còn ít nhưng tôi không muốn làm cậu bé nản
chí nên đã đồng ý. Cậu sẽ chơi một tác phẩm khác mà mình đã luyện tập trong suốt
năm để sẵn sàng cho buổi thi và đồng thời hoàn thiện bản Concerto. Sau đó, tại
buổi diễn tập trang phục, cậu bé có thể chơi cả hai một cách hoàn hảo, trên cả
sự mong đợi của tôi.
Tôi đã dùng cách này để
xem xét khả năng của những học sinh tiếp theo. Nhờ đó tôi có thể đánh giá chính
xác hơn khả năng của họ. Nếu học sinh nào vượt qua họ thường sẽ thành công
trong tương lai. Tuy nhiên tôi vẫn để học sinh luyện tập theo đúng lộ trình căn
bản chứ không thúc ép để tránh tạo ra những bước
nhảy vọt thiếu nền tảng.
MUỐI lược dịch từ cuốn VIOLIN PLAYING AS I TEACH IT
No comments:
Post a Comment