Monday, 7 May 2012

Học đàn VIOLON dễ hay khó ?


Mỗi lần, mọi người nghe “hắn” chơi đàn xong. Ai cũng hỏi, nhất là các bạn trẻ : “Chú ơi (anh ơi) chơi Violon có khó không chú ?
“Cháu bây giờ muốn học để chơi mấy bản nhạc thì phải học mất bao lâu ?” Rồi có những ông – bà hơi sồn sồn hỏi :



“Tuổi của tui bây giờ muốn học cho xả sì trét zậy tui còn học được hay không ?”
“Nghe chú chơi đờn Violon thấy mà ham, lần này cháu sẽ quyết tâm quyết chí tập Violon để chơi, vậy chú dậy cho cháu nghen !”…
“Vậy đàn Violon giá bao nhiêu tiền ? Ai là người đã chế tạo ra cây đờn này…?”
Biết bao nhiêu câu hỏi mà “hắn” phải trả lời cho những người đã nghe “hắn” chơi và ái mộ “hắn”.
Mỉm cười sung sướng “hắn” trả lời tất cả, tuy rằng lúc này - sau khi biểu diễn cho mọi người nghe “hắn” rất mệt. Mệt từ trong sâu thẳm của tâm hồn “hắn” mệt ra. Nó âm thầm và âm ỉ…
Đôi lúc “hắn” nghĩ : “Thà rằng cho “hắn” bửa củi hay làm những công việc nặng nhọc tay chân…Chỉ cần nghỉ một lát, bồi dưỡng món gì bô bổ một chút hay cùng lắm là nằm ngủ một chút, sức khỏe trở lại như trước khi “hắn” chơi đàn.
Nhưng đây là lao động của sự trí tuệ lẫn vận động, mệt từ trong mệt ra nhưng thỏa mãn, vì mình đã biểu diễn thành công rồi những tràng vỗ tay hoan nghênh không dứt…Tất cả dành cho “hắn”.
“Hắn” bắt đầu học cây đàn Violon từ năm 12 tuổi - được học hành chính quy ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia VN). Hồi ở nhà, trước khi thi vào trường khoảng 2 năm, anh của “hắn” đã dậy “hắn” bằng cây Violon ¾ cỡ trung. Mỗi lần tập, tiếng đàn phát ra như con Mèo hen kêu Ò è E e Ò ò E e…nghe chỉ muốn bịt lỗ tai…” Hắn khổ sở về điều đó…
Lũ bạn thấy “hắn” kéo đàn, có đứa nói :
“Mày kéo đàn như kéo Nhị (đàn Cò) ở đám ma !”
Thiệt là muốn độn thổ xuống đất khi có những đứa con gái trong lớp cũng nhận xét như vậy !”
Violon ơi là… Violon ơi ! “Hắn” than thở !
Đau cổ vẹo đầu, tay mỏi, lưng đau, chân đứng rã rời…Nhiều lúc “hắn” nản bỏ tập. Nhưng những trận roi đòn của Bố “hắn” làm hắn sợ…và cứ như vậy “hắn” cứ miễn cưỡng phải Ò e Ò e…tập 2 tiếng trong một ngày theo thời khóa biểu do bố nó đặt ra.
Rồi cho tới một ngày nào…”hắn” thấy bắt đầu thấy thích. Bởi thành quả lao động miệt mài, bởi nhớ những trận roi đòn, bởi những lần “hắn” và bố đi nghe nhạc…Đã xúc tác lên men trong tâm hồn “hắn” từ khi nào. Cho tới giờ “hắn” không nhớ được là khi nào khởi đầu cho sự đam mê ấy…
Các bạn thân mến, mẩu chuyện trên của “Hắn” là câu chuyện của ngày xửa ngày xưa đồng thời cũng là lời giáo đầu để hầu chuyện các bạn.
Bây giờ là chuyện của tớ, chuyện của ngày hôm nay, nó có thể hạn hẹn ở một mức độ nào đó, nhưng hy vọng rằng : Sẽ giải đáp tới các bạn một phần nào về cây Violon mà người ta vẫn ví von là : Bà Chúa (Ông Hoàng) của Âm nhạc cũng như trong dàn nhạc Giao hưởng và nhạc nhẹ…
Cây đàn này người Pháp gọi là : Violon, người Ý gọi : Violino còn người Anh : Violin, còn ở xứ Ta gọi là : Vĩ cầm. nó ra đời tại nước Ý vào thế kỷ thứ 16.
Violon là dòng nhạc Dây và gia đình dây này có tất cả 4 người con. Con Cả tên là Violon kế tới người em là Viola (Violon Alto) rồi tiếp theo là Violon Cello và tới người em út Contrebass (út nhưng to béo ục ịch nhất).
Hôm nay ta chỉ nói chuyện về người anh Cả thôi nhé, còn bố mẹ nó ( người đã đẻ ra cây Violon) thì tớ cũng như các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng xin chịu vì xa xưa quá rồi và… người nói thế này, người nói thế kia…rồi không ông nào chịu ông nào…Vậy thôi, không bàn ở đây.
Nhưng theo ý tớ thì nên gọi ông bà thân sinh ra Violon là Mr Ý cho nó tiện được không ?
Violon là loại đàn khó nhất trong tất cả các loại đàn hiện có mặt trên thế giới này các bạn ! Tớ sẽ nói ở sau là nó khó thế nào. Nhưng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng : Thế giới công nhận (chứ không phải là tớ) đây là nhạc cụ có rất nhiều tính năng kỹ thuật cùng kỹ sảo để biểu hiện mọi thể loại nhạc như : Vui, buồn, nỉ non, trầm buồn, hùng tráng, tươi sáng, chim chóc...Say sưa, trìu mến, trữ tình, kiêu hãnh cùng muôn mầu muôn vẻ trong cuộc sống.
Vì thế nó là loại nhạc cụ độc tấu được nhiều nhạc sĩ ưa chuộng.
Muốn giỏi thì phải TẬP LUYỆN song song với NĂNG KHIẾU BẨM SINH. Các bạn chú ý nhé, NĂNG KHIẾU là vô cùng quan trọng.
Để trở thành một soliss tài năng bạn phải học từ khi rất nhỏ ( lứa tuổi tiểu học). Tớ lấy một thí dụ để so sánh như thế này :
Trong 10 người học Violon (từ lúc nhỏ) thì giỏi lắm là có 1 hay 2 người là trở thành Solis (người biểu diễn độc tấu) còn lại thì là cỡ trung trung hay tầm kha khá mà thôi.
Còn các ngành nghề khác như : Bác sĩ, Kỹ sư…10 người học. Cố gắng chăm chỉ, chịu khó…là có thể thành đạt (đa số) rất cao. Vì vậy tớ mới nói NĂNG KHIẾU đi đôi với KHỔ LUYỆN quan trọng đối với người học đàn như thế nào.
Violon có tất cả 4 dây đàn với nhiều âm vực khác nhau như : Dây Mi tươi sáng, vang, âm sắc càng lên cao càng sắc. Dây La mềm mại dịu dàng. Dây Rê đầy đặn, gần với giọng hát. Dây Sòn đầy đặn, mãnh liệt, trầm hùng và có kịch tính. Nó có thể đạt sắc thái âm thanh từ cực nhỏ tới cực lớn.
Cái khó của Violon so với các nhạc cụ khác :
1. Violon không có phím ngăn cách rõ ràng giữa dây nọ sang dây kia.
2. Ngón tay bấm trên phím chỉ là theo cảm giác (có qui định) vì thế nếu tay bấm chỉ cần xê dịch 1mili là tiếng đã khác (không chính xác).
3. Sử dụng Vĩ để kéo (Acchert) Ngày xưa dây của vĩ làm bằng đuôi con ngựa trắng, sau dùng nilon. Phải sử dụng nhựa thông (Colophane) trà lên dây vĩ để có độ ma sát, nếu không khi kéo dễ trơn trượt.
4. Tập kẹp đàn vô cổ và tập kéo vĩ rất quan trọng, khi kéo sao cho các dây không chạm vào nhau. Tiếng kéo phải đều và rõ ràng có khi phải mất 2 tháng chỉ để tập kéo vĩ để không chạm dây trên đàn vào nhau.
5. Tập phải đúng cao độ cùng phối hợp nhịp nhàng với kéo Vĩ. Tay cầm vĩ nếu không miết đều sẽ tạo ra những âm thanh khó chịu – như mèo hen kêu…
6. Tư thế đứng thẳng, không gù lưng. Đứng lâu rất mỏi…
Đàn Piano (dương cầm) hay đàn Orgal chỉ cần gõ nhẹ vào phím là ra âm thanh chuẩn xác lại được ngồi đánh. Rất dễ học, khi học không nản vì nghe thấy âm thanh chuẩn rõ ràng hay hay…Hay đàn Gutare có phím chia khoảng cách rất rõ ràng.
Vì vậy Violon là khó học, học rất lâu và phải tập hàng ngày mới chơi và tiến bộ được.
Nhưng nói như vậy các bạn trẻ không phải là không học được và nếu chịu khó tập chăm chỉ thì chơi các ca khúc thông thường có thể được. Nhưng để thuyết phục người nghe phải PHỤC LĂN thì tớ không dám nói đâu nhé.
Để người chơi với các lứa tuổi. Violon có 3 cỡ đàn : Người lớn cỡ đàn thông thường như các bạn đã thấy. Cỡ 13,14 tuổi dùng đàn cỡ ¾ và cho cá em nhỏ 8,9,10 tuổi thì dùng cỡ nhỏ nhất ½.
Đàn Violon tốt hiện nay thường là của Ý của Áo rồi tới Pháp…Giá đàn cũng tùy theo mỗi giá trị của cây đàn, đàn càng xưa càng có giá và nghe âm thanh cực hay. Đàn làm bằng gỗ cây thông để lâu phải được sấy kỹ lưỡng. Có những đàn dành cho nghệ sĩ Violon độc tấu nổi tiếng lên tới vài trăm ngàn đô la thậm chí tới cả triệu dola. Những cây đàn do các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới có từ thế kỷ 18 hay 19 còn lại được cất giữ bảo vệ nghiêm ngặt, nó chỉ được lấy ra sử dụng cho một nghệ sĩ cựu kỳ nổi tiếng và đoạt giải thưởng Violon quốc tế biểu diễn trong một thời gian nhất định. Biểu diễn xong phải trả lại cho Viện Bảo tàng Âm nhạc…Chứng tỏ nó giá trị quý giá thế nào.
Ông Tổ về biểu diễn Violon là Nhạc sĩ Paganini (thế kỷ 18)
Có một câu chuyện như thế này để thấy tài năng của Paganini : Ông được nhà Vua mời biểu diễn trong cung điện, trong khi đang diễn tấu bài nhạc, vô tình 2 dây bị đứt. Như nhạc sĩ khác phải ngưng lại lắp dây mới chơi tiếp. Nhưng Paganini thì không, ông chứng tỏ tài năng xuất chúng của mình : chỉ với 2 dây thay vì 4 dây. Ông vẫn chơi một cách xuất thần bản nhạc đó từ đầu cho tới cuối. Mọi người vô cùng thán phục…
Câu chuyện về cây đàn Violon còn dài, nếu nói về nó - TỚ có thể nói “ngàn lẻ một đêm” cũng được, nhưng thôi vậy là cũng tạm cho bè bạn quan tâm tới nó : Những khái niệm nhất định.
Tớ hoan nghênh những bạn có máu me đam mê cây đàn này. Khó thì thiệt khó đấy nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có thể thực hiện được mong muốn. Viết tới đây tớ lại nhớ câu nói dài dài của Nghệ sĩ nấu bếp nổi tiếng người Mỹ gốc Trung Quốc Yang King Cúc ? Tớ xem trên TiVi :
“Yan làm được, thì các bạn cũng làm được” và tớ xin phép mượn lời câu nói này để nói với các bạn cho gần gũi thân tình : “HẮN chơi VIOLON được, thì các BẠN cũng chơi Cò Tây được” làm phần kết của bài viết này.
Chúc thành công ! Các bạn sẽ là những VIOLONIST tuyệt vời nhất của NCM>NET chúng ta.
HURA ! HURA ! HURA !
Bài : Trần Mùi

4 comments:

Người Theo Dõi