Saturday 19 May 2012

- nghệ sĩ violin của mọi thời đại



Paganini, một nghệ sỹ đã vượt trước thời đại của mình trong kỹ thuật và nghệ thuật đàn violin, hình ảnh về ông nổi bật như một huyền thoại có một không hai với khả năng biểu diễn vượt trên mọi sự tưởng tượng và trình độ âm nhạc ở mức thiên tài.

Nicolo Paganini sinh ở Genoa, Italy ngày 27 tháng 10 năm 1782 trong gia đình của hai vợ chồng Antonio và Teresa Paganini. Theo người viết tiểu sử Peter Lichtenthal, đầu tiên Paganini học mandolin với bố lúc 5 tuổi, và năm lên 7 tuổi, bố cậu quyết định cho cậu học violin. Ông Antonio đặt rất nhiều tham vọng ở Nicolo nên đã rất nghiêm khắc với con trai, ông bắt cậu tập đàn từ sáng đến tối và thậm chí còn bắt cậu nhịn ăn nếu như không hoàn thành nghiêm túc bài tập. Có thể nói rằng, tuy sự khắc nghiệt của người cha là sự kìm kẹp đáng sợ nhất đối với tuổi thơ của Nicolo nhưng cũng chính điều đó đã giúp cậu hình thành được tài năng thiên bẩm của mình. Bà Teresa là một người mẹ dịu hiền và rất mộ đạo. Chính nhờ tình thương yêu, sự nâng niu và chăm sóc của mẹ mà Nicolo mới lớn lên được với những gì tối thiểu nhất mà một đứa trẻ cần phải có.
Niccolo có sáng tác đầu tay lúc 8 tuổi, trình diễn lần đầu tiên trước công chúng lúc 12 tuổi. Năm 13 tuổi, cậu được đưa đến Parma để học với thầy giáo nổi tiếng Alessandro Rolla, tuy nhiên ông đã không nhận cậu bé và nói với cậu rằng cậu đã biết hết mọi thứ mà ông có thể dạy cho cậu. Sau đó Paganini lại được gửi đến học đàn với Antinio Cervetto và Giacomo Costa, học sáng tác với Ghiretti và Paer. Mặc dù Nicolo vẫn tiếp tục học các kỹ xảo từ những nghệ sỹ lớn tuổi, nhưng dường như là cách chơi của cậu ngay từ đầu đã có một sự độc đáo rất tự nhiên.
Nicolo đã sớm trở thành một nhạc công nhỏ tuổi có thể biểu diễn kiếm ra tiền. Antonio là một người máu me cờ bạc và rất tham tiền, ông đã đưa cậu bé đi biểu diễn liên tục ở nhiều nơi. Bao nhiêu tiền cũng không đủ để nướng vào cờ bạc, Nicolo cảm thấy quá mệt mỏi và ức chế khi sống với người cha, và cậu đã quyết định rời bỏ gia đình. Tuy nhiên những ảnh hưởng không tốt từ người cha đã khiến cậu không thể thoát khỏi những cám dỗ của ruợu và cờ bạc, khi ấy cậu mới 16 tuổi.
Điều may mắn kỳ lạ đã đến với Nicolo, một thiếu phụ trẻ tuổi không rõ danh tính đã đưa anh đến điền trang của cô, ở đó, họ đã sống như một cặp tình nhân. Niccolo tiếp tục học violin trong ba năm, trong thời gian này anh cũng chơi cả guitar.
Từ 1801 đến 1809, Paganini định cư ở thị trấn Lucca dạy học, sáng tác và biểu diễn. Người ta vẫn đồn rằng có một thời gian Paganini là người tình của công chúa Elisa Baciocchi, em của Napoleon và là công nương của Lucca . Có một điều chắc chắn là, Paganini đã trở thành người dạy nhạc cho Baciocchi trong những khoảng thời gian không đi biểu diễn.
Paganini nhanh chóng trở thành nghệ sỹ vĩ cầm giỏi nhất nước Ý. Từ năm 1810 đến 1828, ông bắt đầu sự nghiệp như một nghệ sỹ tự do, đi biểu diễn khắp đất nước. Bằng tài năng vô song của mình, Paganini đã lôi kéo được rất nhiều khán giả và giành được sự khâm phục, ngưỡng mộ của các nhà phê bình. Ông có buổi công diễn lần đầu tiên ở Milan năm 1813, đó cũng là năm ông cho ra đời bản biến tấu xuất sắc Le streghe. Antonia Bianchi, một ca sỹ đi lưu diễn với Paganini năm 1825 đã sinh cho ông một cậu con trai, tên là Cyrus Alexander vào ngày 23/7/1825.
Paganini bắt đầu sự nghiệp lưu diễn ở nước ngoài với thành công vang dội ở Vienna năm 1828, ông trở thành là một trong những nhạc công đầu tiên thực hiện các cuộc lưu diễn với tư cách một nghệ sỹ độc tấu mà không cần sự hỗ trợ của các nhạc công khác. Năm năm tiếp theo là một chuỗi những thành công có một không hai trong lịch sử âm nhạc, cả một hành trình khắp châu Âu đầy thắng lợi. Ông đã không chỉ chinh phục một số lượng công chúng khổng lồ mà còn tạo ra ấn tượng đặc biệt sâu sắc đối với những nhạc sỹ nổi tiếng. Niccolo đã thực sự trở thành một trong những “siêu sao” biểu diễn trước công chúng đầu tiên trong lịch sử âm nhạc. Khán giả đến với buổi hòa nhạc của ông bao giờ cũng chật ních và say mê cuồng nhiệt. Ở Vienna , các thành viên trong hội khán giả của Paganini bao giờ cũng ngồi giữ ghế của họ từ hai tiếng đồng hồ trước khi buổi biểu diễn bắt đầu. Trong hai năm rưỡi, từ 8/1828 đến 2/1831 ông đã đến 40 thành phố ở Đức, Bohemia và Ba Lan.
Chàng trai Chopin trẻ tuổi sau khi được thưởng thức Paganini ở Warsaw năm 1829 đã ngay lập tức cảm thấy bắt buộc phải làm một điều gì đó để kỷ niệm về sự kiện này, tác phẩm nổi tiếng Kỷ niệm về Paganini đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Robert Schumann, chàng trai 19 tuổi, khi ấy là một sinh viên luật bất đắc dĩ ở Heidelberg đã lặn lội đến Frankfurt chỉ để nghe Paganini, và người ta kể rằng sự kiện đó có lẽ đã tác động một phần đến quyết định dành cả cuộc đời cho âm nhạc của Schumann. Về sau, Schumann đã chuyển soạn 12 bản Caprice của Paganini cho piano và đưa vào tuyển tập Carnaval, chúng đã trở thành các tuyệt tác cho piano của ông.
Ở Leipzig, nhà sư phạm piano nổi tiếng Friedrich Wieck, bố của Clara Schumann, đã viết trong nhật ký của ông như sau: “Trong rất nhiều lĩnh vực biểu diễn, quả thực là chưa từng có một nghệ sỹ nào có được tài năng vô song và vĩ đại như Paganini”. Ở Berlin , Mendelssohn đã viết cho người bạn của ông, nghệ sỹ piano Ignaz Moscheles: “Sự biểu diễn hoàn hảo đến mức lạ lùng của Paganini đã vượt ra khỏi mọi khái niệm. Câu hỏi của bạn sẽ là quá nhiều nếu bạn mong đợi rằng tôi có thể mô tả hết được màn trình diễn của Paganini. Nếu như thế thì phải viết kín cả bức thư mất, trình độ của Paganini đúng là độc đáo và có một không hai, phải cần đến cả một bài phân tích dài và thấu đáo thì mới có thể truyền đạt được những ấn tượng về phong cách biểu diễn của ông.”
Các đại thi hào như Geothe và Heine cũng là những người rất ngưỡng mộ tài năng của Paganini. Một con người điềm tĩnh như Geothe cũng đã không tránh khỏi sự bàng hoàng, bối rối khi được chứng kiến Paganini biểu diến, nhà thơ đã phải thốt lên “Tôi thậm chí đã không có đủ căn cứ để gọi đó là những áng mây hay những tia nắng mặt trời. Bởi vì, tôi đã cảm nhận được một điều gì đó vụt qua, kỳ diệu như sao băng và không có đủ thời gian để hiểu được nó”.
Trong những năm từ 1831 đến 1834, Paganini tiếp tục đến biểu diễn ở London và Paris . Sau những thành công ở London và Scotland năm 1832, ông đã trở nên rất giàu có. Rossini, Donizetti, Liszt, Auber, Heine, De Musset, Delacroix, George Sand và nhiều nhà nghệ thuật danh tiếng khác đã tham dự buổi trình diễn đầu tiên của Paganini ở Paris và đều bị choáng ngợp trước thiên tài của ông. Ở London, Paganini đã trở thành một nghệ sỹ được công chúng cực kỳ yêu chuộng, tờ phê bình Times, khi mô tả màn trình diễn của Paganini đã cảm thấy bắt buộc phải đưa ra lời cảnh báo cho các độc giả của họ: “Bạn có lẽ sẽ không tin một nửa những gì mà tôi đang nói với bạn, và tôi sẽ không nói với bạn một nửa của những gì cần phải nói”.
Những lịch trình biểu diễn dồn dập đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của Paganini, ông trở về Parma năm 1834. Ông định cư ở thành phố này và trở thành chỉ huy dàn nhạc trong cung điện của bà công tước Marie Louise.
Năm 1838, Paganini dồn tiền đầu tư vào một sòng bạc ở Paris nhưng đã thất bại hoàn toàn. Sức khỏe của ông bị xấu đi nghiêm trọng vì căn bệnh viêm thanh quản. Bệnh này đã khiến ông không nói được, ông chuyển đến Marseilles và sau đó mất ở Nice ngày 27 tháng 5 năm 1840.
Niccolo Paganini đã tạo nên những ảnh hưởng cơ bản đến nền âm nhạc thế kỷ 19 và là cha đẻ của kỹ thuật violin hiện đại. Ông đã tạo ra sự tác động nghệ thuật sâu sắc đến Liszt, Schumann và Berlioz. Những nhà soạn nhạc tài danh này đã tiếp thu những kỹ thuật mang đầy tính của ông trong việc tìm tòi và phát triển các cách thể hiện tốt hơn trong những tác phẩm của họ.
Các sáng tác chính của Paganini bao gồm 24 caprices (xuất bản năm 1820) cho violin độc tấu, 12 sonata cho violin và guitar, 6 concerto cho violin, 6 tứ tấu cho violin, viola, cello và guitar. Đồng thời là một nghệ sỹ guitar bậc thầy, Paganini cũng đã sáng tác hơn 200 tác phẩm cho nhạc cụ này, và chính ông đã từng nói rằng: “Tôi là vua của đàn violin, song đàn guitar lại là hoàng hậu của tôi”.
Các phần dàn nhạc trong các tác phẩm của Paganini là khá tao nhã, trau chuốt, có lề luật và ít phiêu lưu. Các nhà phê bình về Paganini cho rằng các concerto của ông dài dòng và công thức: đoạn kết rondo thường có thể được chuyển sang một đoạn khác. Trong sự nghiệp biểu diễn của Paganini, các phần violin của các concerto được giữ bí mật. Paganini thường luyện với dàn nhạc của ông mà không bao giờ chơi toàn bộ phần violin độc tấu. Sau khi ông mất, chỉ có hai concerto là được xuất bản. Hiện nay, cả 6 bản concerto của Paganini đều đã được xuất bản (mặc dù hai bản cuối bị mất phần dàn nhạc).
Paganini đã phát triển một thể loại các biến tấu cho violin độc tấu, với đặc trưng là các chủ đề rõ ràng và đơn giản, đan xen sự trữ tình với tính chất suy tư. Âm nhạc của ông có đặc trưng phóng túng với cấu trúc phân nhịp sôi nổi, hào hứng, tạo điều kiện cho những khả năng cường điệu xuất sắc trong biểu diễn.
Paganini đã mang lại những kỹ thuật mới vượt trội cho cho các nghệ sỹ và các nhà soạn nhạc. Việc viết âm nhạc cho violin đã bị thay đổi một cách cơ bản kể từ thời Paganini. Âm nhạc của ông thường đòi hỏi những trình độ cao và phức tạp về kỹ thuật và nghệ thuật nhằm tác động sâu sắc đến cảm nhận của thính giả và thách thức các nghệ sỹ khác cùng thời. Tác phẩm của ông đòi hỏi sự kết hợp các kỹ thuật staccato, hòa âm, pizzicato trên cả hai tay, và những quãng nhạc rộng (lên đến quãng mười trưởng).
Các sáng tác của Paganini không thực sự được coi là phức điệu, Eugène Ysaÿe có lần đã phàn nàn rằng, các phần đệm cho piano hoặc dàn nhạc của Paganini là quá mang “tính guitar”, thiếu mất đặc trưng phức điệu. Tuy nhiên, người ta vẫn phải công nhận rằng các tác phẩm của Paganini đã thực hiện việc mở rộng âm điệu và màu sắc nhạc cụ tới những trình độ chưa từng có.
Bản Caprice số 24 La thứ của Paganini là một chủ đề được sự quan tâm của khá nhiều nhà soạn nhạc. Từ tác phẩm kinh điển này, Franz Liszt, Johannes Brahms, Sergei Rachmaninov và Witold Lutoslawski đã viết nên những biến tấu nổi tiếng.
Ngày nay, Nicolo Paganini được người ta nhắc đến như một biểu tượng thiên tài của kỹ thuật và nghệ thuật đàn violin. Chính ông đã thực hiện những đột phá táo bạo trong lĩnh vực trình diễn violon, tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nghệ sỹ vĩ cầm danh tiếng sau này như Ernst, Biriot, Vieuxtemps…
Nghệ sỹ vĩ cầm người Đức Guhr đã sớm nhận ra những cách tân của Paganini trong kỹ thuật violin từ năm 1829. Chúng được tóm tắt lại với các kỹ thuật như sau :
1. Scordatura: Lên lệch dây đàn, cho phép nghệ sỹ chơi một nốt khác mà không cần dịch ngón tay.
2. Chơi vĩ bất thường: chẳng hạn như chơi nảy vĩ trên các dây.
3. Pizzicato tay trái: cho phép nghệ sỹ chơi staccato (nốt giật) mà không cần sử dụng tay vĩ.
3. Sử dụng các hòa âm mở rộng.
5. Sử dụng dây Son trong tất cả các tác phẩm.
6. Các ngón bấm bất thường.
Các kỹ thuật này đều đã tạo ra những âm thanh kỳ thú chưa từng có, gây nên sự phấn khích đặc biệt đối với khán giả. Ngày nay, sau những sự phát triển theo các phong cách của Josef Joachim và Eugène Ysaÿe, các kỹ thuật của Paganini như hòa âm dây kép, chơi song song các quãng tám (hoặc quãng mười) và pizzicato tay trái…, ở mức độ nào đó đã trở thành những bài tập thường xuyên của các nghệ sỹ đỉnh cao.
Chính Paganini là người đầu tiên đã có ý tưởng căng dây cello cho đàn violin, tạo ra những hiệu quả âm thanh bất ngờ và ấn tượng cho cây đàn này, cây vĩ của ông cũng dài hơn bình thường. Ông thường xuyên có những buổi trình diễn đầy kỹ xảo và và sự phô diễn tài năng ngoạn mục tới mức kỳ lạ. Paganini cũng là một trong những nghệ sỹ đầu tiên chơi nhạc chỉ bằng trí nhớ mà không cần nhạc phổ. Người ta kể rằng, trong một buổi hòa nhạc ở Paris năm 1832, Paganini đã chơi một chương trong Sonata của ông với 12 nốt nhạc liền mạch trong một giây !
Cây đàn của Paganini được biết đến với tên gọi Cannone Guarnerius, từ Cannone (súng đại bác) là do chính Paganini gọi để phản ánh những âm thanh rất lớn mà nó tạo ra. Các dây của nó gần như là ở trên cùng một mặt phẳng, điều này giúp cho Paganini có thể chơi đến ba, thậm chí bốn dây cùng một lúc. Cây đàn này là do một nhà buôn giàu có người Pháp đưa cho Paganini, nó đã trở thành một vật vô cùng quý giá đối với ông. Sau này cây đàn được Paganini truyền lại cho người dân thành Genoa, hiện nay nó vẫn được gìn giữ ở thành phố này như một bảo vật vô giá.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nicolo Paganini bị bao phủ bởi rất nhiều những chuyện đồn đại, thêu dệt đầy hoang đường và bí hiểm. Tất cả đều bắt nguồn từ tài năng siêu phàm và phong cách biểu diễn lập dị của ông. Paganini đã sống trong một xã hội có cả sự khâm phục, ngưỡng mộ lẫn những thói tò mò, mê tín, ganh ghét và đố kị. Người ta đã gắn cho Paganini tất cả những danh hiệu, như “quỷ satan”, “con trai của phù thủy”, “kẻ bán linh hồn cho quỷ”…, để nhằm giải thích cho khả năng chơi đàn có một không hai của ông, đó là khả năng chơi đàn mà dường như một con người không thể đạt tới được. Lúc đầu, chính Paganini lại cảm thấy thích thú với những lời đồn đại đó và thậm chí ông còn tận dụng chúng để lôi cuốn những khán giả tò mò bằng cách tự thể hiện một phong cách tà ma và bí hiểm. Ông thường đến các buổi hòa nhạc bằng những cỗ xe ngựa đen với những con ngựa đen, và chính mình cũng mặc đồ đen. Ông đã từng xuất hiện trên sân khấu với mái tóc đen dài, khuôn mặt xanh tái, hàm răng bị gẫy một chiếc, phong thái mờ ảo và đáng sợ. Trong lúc chơi đàn, đôi mắt của ông trợn ngược lại phía sau, đung đưa vóc người gầy guộc với mái tóc xõa rối bời.
Nhiều người đồn đại rằng Paganini đã từng bị bỏ tù về một vụ án giết tình địch, và ông đã sống nhiều năm trong tù với cây đàn violin. Ba dây đàn lần lượt đứt hết, chỉ còn lại mỗi dây Son, và từ đó Paganini đã học được cách chơi với duy nhất một dây Son.
Cũng có rất nhiều kẻ ghen tị thường tìm cách hãm hại và chống đối Paganini bằng những lời vu khống, đơm đặt và những âm mưu quỷ quyệt. Có lúc Paganini đã từng bị nói xấu là một người keo kiệt, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Ông thường xuyên có những buổi biểu diễn từ thiện và luôn luôn đảm bảo nguồn tài chính và cuộc sống đầy đủ nhất cho cậu con trai của mình. Ông đã trao tặng món quà 20.000 franc cho Berlioz chỉ với một lý do hình thức là nhờ Berlioz sáng tác tác phẩm Harold ở Italy. Đó chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ về sự hào phóng của ông.
Tài năng siêu phàm của Paganini thực tế là nhờ vào năng khiếu thiên bẩm và quá trình tập luyện gian khổ mà có được. Sau này có một số người đã đưa ra những giải thích trên phương diện sinh lý học về những năng lực bất thường của Paganini, họ cho rằng đó là kết quả của hội chứng Marfan hoặc hội chứng Ehler-Danlos, những hội chứng liên quan đến sự làm tăng thêm tính ưu việt trong một số kỹ năng của con người.
Trong những năm cuối đời, Paganini cảm thấy quá mệt mỏi về những lời đồn đại ngớ ngẩn và hoang đường, ông tìm cách để xua tan chúng nhưng đã quá muộn. Vào lúc từ biệt cõi đời, Paganini đã từ chối việc làm lễ rửa tội ở nhà thờ. Điều đó đã làm tăng thêm những lời đồn đại cay nghiệt về ông. Paganini đã không thể được an táng một cách thông thường, thi hài ông được cất giữ trong một tầng hầm trong suốt 5 năm mãi cho đến khi gia đình ông tìm được cách để chôn cất.
Nicolo Paganini là một con người bất tử trong lịch sử âm nhạc cũng như lịch văn hóa thế giới. Tài năng của ông đã chứng minh cho năng lực dường như bất tận của con người trên con đường vươn tới những đỉnh cao của nghệ thuật và trình độ văn minh.

No comments:

Post a Comment

Người Theo Dõi