Monday, 14 May 2012

Những chặng đường lịch sử của cây Vĩ cầm (Violin)



Violon (vĩ cầm) là một trong những nhạc cụ đóng vai trò chủ lực của các dàn nhạc qua nhiều chặng đường lịch sử âm nhạc của thế giới. Với một đời sống trải dài qua nhiều thế kỷ, cây đàn này đã để lại cho nhân loại nhiều câu chuyện đáng nói.

Trong một dàn nhạc giao hưởng, với sự tham dự của hàng trăm nhạc công, đàn violon cùng với những "bà con" của nó là các đàn viola, cello, contrebass, đã chiếm đến hơn 50% tổng số nhạc cụ. Nhưng so với những bà con của mình thì cây đàn violon có âm vực cao nhất. Cây vĩ (dùng để kéo trên dây đàn làm phát ra âm thanh) có chiều dài khoảng 75cm, hơi cong, với một túm đuôi ngựa căng từ đầu này đến đầu kia. Đàn có 4 dây, âm độ cách nhau một quãng năm. Đó là dây sol (G),re (D), la (A), mi (E). Các phần chính của đàn violon gồm có: mặt đàn, (thường làm bằng gỗ vân sam, đủ độ khô), lưng đàn (làm bằng gỗ thích), cần đàn, phím đàn, ngựa đàn, núm lên dây đàn..
Cây đàn violon có đặc tính nổi bật là rất dễ phù hợp với giọng ca, có khả năng diễn tấu nhanh và các giai điệu nó phát ra rất trữ tình. Người nhạc công có thể dùng kỹ năng để tạo ra những âm thanh uyển chuyển, đặc sắc. Chính nhờ những đặc điểm này mà cây đàn violon luôn đóng vai trò chủ lực trong dàn nhạc.
Ngược dòng lịch sử, đàn violon xuất hiện ở Ý (năm 1500) và có vẻ như nó biến thể từ hai nhạc cụ (cũng sử dụng cây vĩ kéo) của thời trung cổ, đó là cây viele và cây rebec. Nhưng thực chất hai cây này không phải là tổ tiên của cây violon. Mà tổ tiên của cây đàn violon là một cây đàn có 6 dây, xuất hiện ở châu Âu trước cây đàn violon, rồi nó tồn tại cùng với cây violon suốt 200 năm sau đó.


Vào thế kỷ 16, những nhà làm đàn danh tiếng ở Ý có Gasparo da Salo (1540-1609), Giovanni Maggini (1579-1630) cùng ở Brescia; Andrea Amati ở Cremona. Đây là một nghề thủ công đầy tính nghệ thuật, đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 với xưởng làm đàn của Antonio Stradivari, Giuseppe Guameri cùng là người Ý và Jacob Stainer người Áo. So với những cây đàn ngày nay, cây đàn violon thời kỳ đầu ngắn hơn, dày hơn, những cây vĩ dùng để kéo cũng ngắn hơn. Sang thế kỷ 18-19, tiếng đàn violon phát ra âm thanh to hơn. Song đến thế kỷ 20, những nhạc công thích phục hồi cây đàn violon của họ theo kiểu cổ điển, vì tin rằng như thế chúng sẽ phù hợp hơn với âm nhạc các thế kỷ trước.
Khi mới xuất hiện trước công chúng, đàn violon dùng để đệm cho các buổi khiêu vũ hoặc những buổi biểu diễn thanh nhạc và được xem là nhạc cụ có vị trí xã hội thấp. Sang đầu thế kỷ 17, nó càng ngày càng có uy tín qua việc sử dụng trong các nhạc kịch (opéra) như: Orfeo (1607) của nhà soạn nhạc Ý Claudio Montevendi và trong ban nhạc cung đình của vua Pháp Louis XIII.
Sang thời kỳ baroque (đầu thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 17- thời kỳ âm nhạc đầy chất hoa mỹ), cây đàn violon đã trở thành nhạc cụ chính của những nhà soạn nhạc kiêm nhạc công lừng danh: Arcangelo Corelli, Antonio Vivaldi, Giuseppe Tartini (Ý), Philipp Telemann, Johann Sebastian Bach (Đức)… Nó xuất hiện trong hầu hết các thể loại nhạc của thời kỳ này như: concerto (hoà tấu khúc), suite (tổ khúc) và cả opéra (nhạc kịch) nữa.
Thế kỷ 18 đánh dấu sự hình thành của thời kỳ cổ điển trong lịch sử âm nhạc với hai cây đại thụ trong làng nhạc Wolgang Amadeus Mozart (1756-1791), và Ludwig van Beethoven (1770 –1827), cây đàn violon tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt trong các thể loại sonate, concerto, quartet (tứ tấu đàn dây) và symphony (giao hưởng).
Trong một ban nhạc tứ tấu đàn dây, thường có sự diễn tấu của hai cây violon, một cây viola và một cây cello. Khi sang thế kỷ 19, nhiều bậc kỳ tài trong nghệ thuật diễn tấu violon xuất hiện ở châu Âu, trong đó nổi bật nhất là Nicolo Paganini, Pablo de Sarasate… tiếp nối những người này là: Issac Stem, Yehudi Menuhin (Mỹ), David Oistrakh (Liên Xô), Fritz Kreisler (Áo) của thế kỷ 20.
Cuối cùng, sẽ là một thiếu sót lớn nếu nói về cây đàn violon mà bỏ qua những cây đàn “kỳ bí” của nhà làm đàn huyền thoại Antonio Stradivari (1644 -1737) mà đến thế kỷ 21 này vẫn còn đạt đến những trị giá “chóng mặt” trong các cuộc bán đấu giá có tầm quốc tế.
Antonio Stradivari là người đã đưa nghệ thuật làm đàn lên đến tuyệt đỉnh. Suốt 4 thế kỷ qua, bất cứ một nhạc công violon nào cũng mơ ước có một cây đàn được sáng chế từ xưởng của Antonio Stradivari. Bí quyết làm đàn của ông cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn lớn. Đàn có một độ vang và âm sắc đặc biệt mà nhiều thế kỷ sau ông không có một nhà làm đàn nào có thể mô phỏng được.
Người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích bí quyết của Stradivari liên quan đến: loại gỗ được sử dụng làm đàn, lớp vẹc-ni dùng đánh bóng đàn hay chất liệu keo gắn các bộ phận của cây đàn lại với nhau…Gỗ thì có thể chọn loại gỗ thật giống với loại mà Stradivari đã chọn, nhưng dù khổ công đến đâu, chất lượng âm thanh do đàn phát ra cũng không thể nào sánh được với cây đàn của Stradivari. Để che dấu cho sự yếu kém của mình, họ đổ cho “thủ phạm” là lớp vẹc-ni “kỳ bí” mà ông này đã dùng để đánh bóng cây đàn. Tuy nhiên, họ lại một phen thất vọng khi cạo sạch lớp vẹc-ni, vẫn nghe được tiếng đàn trong trẻo, rền vang như lúc còn lớp vẹc-ni. Trên thế giới hiện vẫn còn khoảng vài trăm cây đàn của Stradivari trị giá hàng trăm ngàn USD. Trong số 11 người con của ông có hai người nối nghiệp, đó là Francesco Stradiravi và Omobono Stradiravi nhưng vẫn không ai lập được kỳ tích như người cha của họ.

No comments:

Post a Comment

Người Theo Dõi