Wednesday, 16 May 2012

Những nghệ sĩ violin hàng đầu thế giới

Chang, Sarah

Nghệ sĩ violin người Mĩ Sarah Chang sinh ngày 10 tháng 10 năm 1980 tại Philadelphia, Pennsylvania trong một gia đình Hàn Quốc, cha của Chang cũng là một nghệ sĩ violin. Khi lên 7 tuổi, cô bé biểu diễn bản Violin concerto số 1 giọng Son thứ, Op. 26 của Max Bruch và được nhận vào học tại trường nhạc hàng đầu ở Mĩ và thế giới Juilliard School, New York. Lên 8 tuổi, đích thân Zubin Mehta - nhạc trưởng của New York Philharmonic và Riccardo Muti - nhạc trưởng của Philadelphia Orchestra đã dành những sự quan tâm đặc biệt đến cô theo những cách khác nhau.
Chỉ 2 ngày sau khi nghe Sarah chơi, Mehta đã mời cô biểu diễn bản Violin concerto số 1 giọng Rê trưởng, Op. 6 của Nicolo Paganini cùng với New York Philharmonic tại Avery Fischer Hall. Cũng như vậy, Muti sau khi nghe Sarah biểu diễn đã mời cô cộng tác cùng Philadelphia Orchestra với tư cách nghệ sĩ độc tấu trong chương trình kỉ niệm 90 năm ngày thành lập dàn nhạc vào tháng 1 năm 1991.
Vào năm 1989, khi mới 9 tuổi, Sarah Chang đã trở thành nghệ sĩ violin trẻ tuổi nhất có được bản ghi âm. Một trong những hãng ghi âm nổi tiếng nhất trên thế giới, EMI Classics đã cho ra mắt đĩa “Debut” (Ra mắt), trong đó Chang biểu diễn những tiểu phẩm dành cho đàn violin của Paganini, Tchaikovsky, Prokofiev, de Sarasate và những nhạc sĩ khác nữa. Được tung ra thị trường vào tháng 9 năm 1992, bản thu âm đặc biệt này đã nhanh chóng được lọt vào danh sách những album bán chạy nhất thuộc thể loại nhạc cổ điển của tạp chí Billboard. Và chỉ một năm sau, năm 1993, Chang đã giành được những giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Đó là giải “Young Artist of the Year” (Nghệ sĩ trẻ trong năm) của tạp chí uy tín Gramophone và "Echo" Schallplattenpreis của Đức. Năm 1994 là 2 giải: giải “Debut” của Royal Philharmonic Society of Music và “Newcomer of the Year" (Nghệ sĩ mới của năm) đầy danh giá của International Classical Music Awards.
Kể từ đó, danh tiếng của Sarah Chang đã được cả thế giới biết đến. Cô liên tục nhận được lời mời cộng tác của những dàn nhạc danh tiếng và những nhạc trưởng xuất sắc ở Mĩ và châu Âu: New York Philharmonic, Philadelphia Orchestra, Chicago Symphony Orchestra, Boston Symphony Orchestra, Cleveland Orchestra, Los Angeles Philharmonic, San Francisco Symphony Orchestra, Pittsburgh Symphony Orchestra tại Mĩ và Berlin Philharmonic, Vienna Philharmonic, Royal Concertgebouw Orchestra, Orchestre National de France, London Symphony Orchestra, London Philharmonic và Philharmonia Orchestra tại châu Âu. Các nhà phê bình đã nhận xét: “Nghệ thuật biểu diễn violin của Sarah Chang thật ấn tượng. Cách rung của cô vô cùng hoạt bát và tràn đầy cảm hứng. Những ngón tay ma thuật của cô đã thêu dệt nên những nét giai điệu thật khó tin. Thật sự khâm phục óc sáng tạo phi thường của Chang đồng thời có thể nói quyền lực từ gương mặt gợi cảm của cô cũng tương đương như sức mạnh mà Chang tạo ra từ archet và cây đàn violin của mình”.
Tháng 10 năm 1994, Chang có buổi ra mắt tại Carnegie Hall, New York khi cô biểu diễn cùng Charles Dutoit và Montreal Symphony Orchestra. Năm 1997, Chang biểu diễn tại Kennedy Center, Washington D.C. Năm 1999, Chang tốt nghiệp và dành hết tâm huyết của mình cho việc biểu diễn và thu âm. Kí hợp đồng ghi âm độc quyền cho EMI Classics, điều mà rất ít nghệ sĩ làm được, Chang đã thực sự trở thành một trong những nghệ sĩ violin hàng đầu trên thế giới. Sau đĩa “Debut”, Chang đã thu âm những tác phẩm lớn, tương xứng với vị thế của một nghệ sĩ lớn. Đầu tiên là bản Violin concerto giọng Rê trưởng, Op. 35 của Peter Ilyich Tchaikovsky cùng Sir Colin Davis và London Symphony Orchestra được phát hành vào mùa xuân năm 1993. Sau đó là bản Violin concerto số 1 giọng Rê trưởng, Op. 6 của Nicolo Paganini, Havanaise for Violin and Orchestra in E major, Op. 83 và Introduction and Rondo capriccioso for Violin and Orchestra in A minor, Op. 28 của Camille Saint-Saëns với sự tham gia của Philadelphia Orchestra và nhạc trưởng Wolfgang Sawallisch. Ngoài ra ta còn có thể kể đến những bản ghi âm mà Chang cộng tác với Berlin Philharmonic - một trong những dàn nhạc được coi là xuất sắc nhất trên thế giới: mở đầu là các Violin concerto của Jean Sibelius và Felix Mendelssohn dưới sự chỉ huy của Mariss Jansons vào tháng 11 năm 1996; trong năm 2001 là 2 album: tháng 3 là 2 Sextet của Dvorak và Tchaikovsky (cùng với các nhạc công của Berlin Philharmonic) và tháng 6 cùng với nhạc trưởng Placido Domingo biểu diễn những tác phẩm quen thuộc cho violin và dàn nhạc, đĩa nhạc có tiêu đề “Fire & Ice” (lửa và băng), cả 2 album đều được xuất bản vào tháng 7 năm 2002. Bản thu âm mới đây nhất của cô cũng là một sự hợp tác với Berlin Philharmonic. Đầu năm 2006 này, EMI Classics vừa tung ra thị trường đĩa nhạc trong đó, Chang cùng Berlin Philharmonic và nhạc trưởng Sir Simon Rattle biểu diễn Violin concerto số 1 giọng La thứ, Op. 77 của Dmitri Shostakovich và Violin concerto số 1 giọng Rê trưởng, Op. 19 của Sergei Prokofiev. Cho đến nay, dù còn rất trẻ nhưng Chang đã có gần 20 bản thu âm cùng EMI Classics trong sự nghiệp của mình.
Năm 2004 nhân dịp Thế vận hội mùa hè lần thứ 28 tại Athens, Hi Lạp, Chang là được vinh dự rước đuốc tại chặng New York và cũng trong thời gian này cô trở thành người trẻ tuổi nhất giành được giải thưởng Hollywood Bowl's Hall of Fame. Năm 2005, đại học Yale đã quyết định lấy tên Sarah Chang làm tên gọi cho một chiếc ghế danh dự tại Sprague Hall. Tên tuổi của Chang đã vươn xa ra ngoài lãnh địa của nhạc cổ điển. Cùng với cựu vận động viên quần vợt số một thế giới Pete Sampras và nghệ sĩ kèn trumpet nhạc cổ điển và nhạc jazz Wynton Marsalis, Chang đã được hãng đồng hồ nổi tiếng Movado mời làm đại diện cho chiến dịch quảng cáo toàn cầu “The Art of Time”

 Jascha Heifetz
Jascha Heifetz được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất mọi thời đại và là nghệ sĩ nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. 
Ông sinh ngày mùng 2 tháng 2 năm 1901 (tồn tại những tranh cãi về năm sinh của ông và thường thì nó được tăng lên từ 1 đến 2 năm). trong một gia đình người Do Thái tại thành phố Vilna, Nga nay là Vilna, Lithuania. Cha ông là chỉ huy của dàn nhạc giao hưởng Vilna và ông đã làm quen với cây đàn violin từ năm lên 3 tuổi. Heifetz là một tài năng bẩm sinh, ông xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng vào năm ông 7 tuổi tại Kovno (giờ đây là Kaunas, Lithuania). Lần đó ông đã chơi bản concerto dành cho violin và dàn nhạc của Felix Mendelssohn, một bản nhac có độ phức tạp rất cao nếu dành cho một nghệ sĩ mới 7 tuổi.
Vào ngày 27 tháng 10 năm 1917, Heifetz đã có buổi biểu diễn đầu tiên tại Mỹ. Buổi biểu diễn được thực hiện tại Carnegie Hall và nó đã trở thành huyền thoại. Sau đêm đó Heifetz đã trở thành thần tượng âm nhạc mới của nước Mỹ.
Heifetz đã thu âm lần đầu vào ngày mùng 7 tháng 11 năm 1917. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã miệt mài thu âm và hầu hết là với hãng RCA Victor. Heifetz là một người có sức làm việc đáng khâm phục, điều đó được minh chứng bằng một di sản những bản thu âm đồ sộ. Ông đã thu âm hầu hết các tác phẩm violin nổi tiếng của các nhà soạn nhac thiên tài. Nổi bật trong số đó là các bản thu âm tuyệt vời của ông thể hiện các bản concerto kinh điển nhất của Brahms (với phần cadenza do chính ông biên soạn) (Chicago Symphony Orchestra, nhạc trưởng Fritz Reiner, 2/1955); Beethoven, (Boston Symphony Orchestra, nhạc trưởng Charles Munch, 11/1955); Tchaikovsky (Chicago Symphony Orchestra, nhạc trưởng Fritz Reiner, 4/1957); Sibelius (Chicago Symphony Orchestra, nhạc trưởng Walter Hendl, 1/1959); Mendelssohn, concerto số 2 của Prokofiev (Boston Symphony Orchestra, nhạc trưởng Charles Munch, 2/59); concerto số 1 của Bruch (dàn nhạc giao hưởng New Symphony Orchestra, nhạc trưởng Malcolm Sargent, 5/1962)… Mặc dù phiên bản gốc stereo của bộ đĩa này được bọc một cách vụng về bằng những tờ giấy bìa mỏng manh, nhưng đây là các bản thu âm hoàn hảo. Các tác phẩm trình tấu cùng dàn nhạc khác đã được Heifetz biểu diễn có thể kể tới Symphonie Espagnole của Lalo, Zigeunerweisen (Gypsy Airs) của Sarasate, Poeme của Chausson, Havanaise và Introduction & Rondo Capriccioso của Saint-Saëns.
Heifetz cũng cảm thấy hứng thú với việc chơi nhạc thính phòng (chamber music). Một vài nhà phê bình đã phê phán ông về những hạn chế trong việc chơi cùng với một nhóm các nghệ sĩ khác bởi "cái tôi" của người nghệ sĩ trong ông có xu hướng làm lu mờ những người đồng sự của ông. Tuy vậy ông cũng đã có được những bản ghi âm đáng kể với một số nghệ sĩ tên tuổi khác như nghệ sĩ piano Arthur Rubinstein và nghệ sĩ cello Emanuel Feuermann với những tác phẩm viết cho tam tấu piano của Beethoven, Schubert và Brahms vào năm 1940; hay là sự cộng tác của ông với Rubinstein và nghệ sĩ cello Gregor Piatigorsky với những tác phẩm viết cho tam tấu piano của Ravel, Tchaikovsky và Mendelssohn. Vào năm 1961, Heifetz và Piatigorsky đã thực hiện một series những bản concerto và đã được ghi âm cùng với nghệ sĩ viola William Primrose và một số nghệ sĩ khác. Đó là những bản thu âm đáng kinh ngạc, các bản bát tấu, lục tấu, ngũ tấu và tam tấu của Mozart, Spohr, Mendelssohn, Schubert, Brahms, Dvorak, Franck, Turina và Arensky đã được trình tấu với những nốt nhạc trong trẻo ngập tràn tình yêu cuộc sống.
Ngoài các tác phẩm trên, Heifetz còn có một số bản thu âm trước đó chưa được công bố, đáng chú ý nhất là bản lục tấu Souvenir de Florence của Tchaikovsky, được chơi với một phong cách rực lửa từ đầu đến cuối. Heifetz cũng đã ủy thác một số nhạc sĩ sáng tác các bản nhạc dành riêng cho mình, đáng kể nhất trong số đó là bản concerto viết cho violin của nhà soạn nhạc người Anh Sir William Walton. Ông cũng đã phối một số nhạc phẩm trong đó có bản Hora Staccato của Grigoras Dinicu, một người mà đã được Heifetz khen ngợi là nghệ sĩ violin vĩ đại nhất mà ông từng gặp.
Heifetz có một kỹ thuật đạt đến mức hoàn thiện thậm chí rất nhiều người còn cho rằng kỹ thuật của ông là hoàn hảo nhất trong lich sử. Tuy nhiên ông lại bị chỉ trích bởi thiếu đi sự đấu tranh nội tâm trong cách đánh của mình nhưng ngay cả những người nghe khó tính nhất cũng phải ngả mũ trước cái tôi rất cá tính của ông. Trong suốt sự nghiệp, Heifetz tiếp tục phát huy kỹ thuật đáng kinh ngạc của mình với những nốt nhạc trong vắt và một sự tự tin không gì có thể lay chuyển. Ngay cả trong bản thu âm cuối cùng, người ta vẫn thấy một Heifetz tràn đầy sinh lực như một nghệ sĩ violin đang ở độ tuổi sung mãn nhất.
Một điểm nổi bật khác trong kỹ thuật của Heifetz đó chính là tốc độ, thậm chí nhiều nhà chuyên môn còn phê phán ông vì đánh quá nhanh nhưng đó chỉ là một ảo giác. Hãy thử tưởng tượng một giai điệu mà bạn yêu thích (hoặc thậm chí một gam) với những nốt lướt và hòa quyện vào nhau. Bây giờ hãy tưởng tượng lại lần nữa với cùng một tốc độ như vậy nhưng các nốt lại ngắn hơn và ngắt quãng, lúc đó âm thanh sẽ nghe nhanh hơn rất nhiều. Mặc dù thực tế không phải như vậy. Tuy vậy khả năng về tốc độ của Heifetz vẫn làm giới chuyên môn thật sự kinh ngạc.
Rất nhiều lần, kỹ thuật hoàn hảo của ông cộng với sự bảo thủ trong phong cách biểu diễn đã khiến ông bị chỉ trích là quá khô khan, máy móc, thậm chí là lạnh lùng thiếu cảm xúc. Tuy nhiên, mọi nhà phê bình đều phải thừa nhận rằng ông đã truyền vào trong những buổi biểu diễn của mình tình cảm và sự kính trọng dành cho những tư tưởng của nhà soạn nhạc. Những bản sonata của Bach được Heifetz chơi một cách tuyệt vời, sự thành công đó có được bởi lẽ ông đã tập trung hoàn toàn vào những tư tưởng của Bach. Chính sự phản ánh đến độ trong suốt trong những nhạc phẩm của mình đã khiến cho di sản âm nhạc đồ sộ của Heifetz trở nên vô giá và vĩnh cửu.
Phong cách biểu diễn của ông cũng đã có ảnh hưởng rất sâu sắc đến cách tiếp cận cây vĩ của những nghệ sĩ violin sau này. Heifetz thường xuyên sử dụng kỹ thuật "portamento" và điều đó đã tạo nên cho ông một phong cách rất độc đáo, rất riêng: lướt từ nốt này sang nốt khác Heifetz đã đem đến cho người nghe những cung bậc cảm xúc mãnh liệt nhất. Itzhak Perlman, một nghệ sĩ violin nổi tiếng khác, người cũng được biết đến như một bậc thầy trong việc chuyển tải cảm xúc qua những nốt trượt, đã miêu tả những âm thanh của Heifetz như "dung nham nóng chảy" (molten lava) bởi cảm xúc đạt đến độ dữ dội của chúng.
Heifetz sở hữu hai cây đàn, một cây Stradivarius và cây đàn mà ông yêu quý nhất chiếc 1740 "ex David" Guarnei del Gesù đã được ông gìn giữ cho đến lúc chết. Theo ý nguyện của Heifetz, chiếc Guarneri hiện nay đang được trưng bày tại viện bảo tàng Legion ò Honor, San Fransico. Ông còn mong muốn cây đàn của mình có thể được mang ra chơi trong những dịp đặc biệt bởi những nghệ sĩ xứng đáng.
Ông mất tại trung tâm y tế Cedar-Sinai, Los Angeles vì bệnh tim vào ngày 10 tháng 10 năm 1987.

Oistrakh, David
“Từ sâu thẳm trong kí ức tuổi thơ mình, tôi luôn nhìn thấy cây đàn violin” David Oistrakh
“Sa hoàng của những nghệ sĩ violin”, “Sự thôi miên của những âm thanh kì diệu”, “Paganini của phương Bắc” đó chỉ là một vài biệt danh mà những người hâm mộ đã dành tặng cho David Oistrakh – một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất thế kỉ 20. Tiếng đàn của ông đẹp một cách hoàn hảo nhưng không hoàn toàn là dựa vào một nền tảng kĩ thuật tuyệt vời, mà cây violin biết hát đó được tấu lên từ một trái tim nồng ấm và cao quí. Nhạc trưởng người Đức Kurt Sanderling đã trầm trồ thốt lên: “Bỗng nhiên thế giới này trở nên đẹp hơn khi David Oistrakh chơi đàn”.
David Oistrakh sinh ngày 30 tháng 9 năm 1908 tại Odessa, phía nam Ukraine trong một gia đình gốc Do Thái. Tên khai sinh của ông là David Kolker nhưng sau này ông theo họ của người cha dượng – một nghệ sĩ violin nghiệp dư, người sở hữu một của hàng nhỏ tại thị trấn. Mẹ của David là một ca sĩ opera - bà Isabella Stepanova. Khi lên 5 tuổi, cậu bé David bắt đầu theo học violin và viola một cách nghiêm túc và chuyên cần hiếm có với Piotr Stolyarsky, thầy giáo đầu tiên và cũng là duy nhất của David. Stolyarsky cũng là thầy dạy của Nathan Milstein, lớn hơn Oistrakh 4 tuổi và sau này cũng trở thành một nghệ sĩ violin vô cùng nổi tiếng.
Lên 6 tuổi, tại Odessa, David đã có buổi biểu diễn đầu tiên của mình. Một độ tuổi đã có thể được coi là thần đồng. Nhưng thực sự thì cậu bé có xứng đáng chăng? Nếu như bạn là người chứng kiến không chỉ buổi biểu diễn đó mà cả toàn bộ quá trình tập luyện của David thì câu trả lời là: Có! Ở David tồn tại một khả năng thiên phú về kĩ thuật, một tiếng đàn đầy biểu cảm, cánh tay phải (tay kéo vĩ) đầy thuận lợi giúp cho cậu bé duy trì độ dài của một câu nhạc đến khi nào cậu muốn.
Từ năm 1923 đến năm 1926, chàng trai trẻ Oistrakh theo học tại Odessa Conservatory. Năm 1923 cũng là lần đầu tiên Oistrakh được biểu diễn cùng dàn nhạc khi anh chơi Violin concerto giọng La thứ của Johann Sebastian Bach. Năm 1926, Oistrakh tốt nghiệp nhạc viện với đêm biểu diễn các tác phẩm: Chaconne của Bach; Devil's Trill Sonata của Tartini; Viola Sonata của Anton Rubinstein và Violin Concerto số 1 giọng Rê trưởng của Prokofiev. Năm 1927, tại Kiev, Oistrakh biểu diễn Violin concerto của Glazunov dưới sự chỉ huy của chính nhà soạn nhạc và chính từ buổi hòa nhạc này mà Oistrakh đã thu hút được sự chú ý của Nikolai Malko và 1 năm sau, vị nhạc trưởng này đã mời ông tham gia biểu diễn tác phẩm Violin concerto của Tchaikovsky cùng Leningrad Philharmonic.
Cũng trong năm này, Oistrakh quyết định chuyển đến sinh sống tại Moscow và ngay lập tức ông đã có 1 recital rất thành công tại đây cũng như gặp gỡ với nghệ sĩ piano Tamara Rotareva – người chỉ một năm sau đã trở thành vợ của ông. Đứa con duy nhất của họ, Igor ra đời ngày 27 tháng 4 năm 1931 sau này dưới sự dìu dắt của chính người cha đã trở thành một nghệ sĩ violin khá nổi tiếng và nhiều lần 2 cha con đã biểu diễn cùng nhau trong những tác phẩm như Double concerto của Bach hay Sinfonia Concertante của Mozart. Từ năm 1934, Oistrakh trở thành giảng viên tại nhạc viện Tchaikovsky, Moscow và năm 1939, khi chỉ mới 31 tuổi ông đã được phong học hàm giáo sư, tiếp bước của những nhà sư phạm, nghệ sĩ violin nổi tiếng như Yuri Yankelevich và Boris Goldstein. Người học trò nổi tiếng nhất của Oistrakh chính là Gidon Kremer.
Thập niên 30 cũng là thời kì David Oistrakh giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế. Năm 1935, ông giành giải nhất trong cuộc thi violin toàn liên bang Xôviết và giải nhì trong cuộc thi Wieniawski Competition, Warsaw (cô gái thần đồng 16 tuổi người Pháp Ginette Neveu giành giải nhất). Năm 1937, ông giành giải nhất trong Queen Elisabeth Competition, Brussels lần đầu tiên (còn có tên là Eugene Ysaÿe Competition) với thành phần ban giám khảo gồm rất nhiều những tên tuổi lớn như: Jacques Thibaud, Joseph Szigeti, Carl Flesch, Abram Yampolsky, Georg Kulenkampff, Matthieu Crickboom và Marcel Darrieux.
Trong thời gian này, ông bắt đầu có một tình bạn thân thiết với nghệ sĩ piano Lev Oborin (người giành giải nhất trong Chopin Competition lần thứ nhất) và nghệ sĩ cello tài năng Sviatoslav Knushevitsky và cùng họ biểu diễn tam tấu rất nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 1941 tới 1963. Oistrakh cũng nhận được sự quý mến và kính trọng từ nghệ sĩ violin đàn anh Jacques Thibaud.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Oistrakh đã xuất ngoại nhiều lần để biểu diễn tại các nước thuộc khối Đông Âu hay thậm chí là ở cả các nước Tây Âu. Sau lần biểu diễn đầu tiên bên ngoài đất nước Liên Xô (kể từ sau năm 1945) trong "Prague Spring" Festival lần thứ 2 vào năm 1947 và gặt hái được rất nhiều thành công, Oistrakh đã liên tục có những buổi công diễn như: năm 1951 tại "Maggio Musicale" Festival, Florence; năm 1952 tại Đông Đức nhân dịp kỉ niệm lần thứ 125 ngày mất của Beethoven; Pháp năm 1953; Vương quốc Anh năm 1954 và đặc biệt là lần ra mắt vô cùng đáng nhớ tại Mĩ vào năm 1955. Vào ngày mùng 1 tháng 1 năm 1956, Oistrakh đã cho công chúng Mĩ được lần đầu tiên thưởng thức Violin concerto số 1 của Shostakovich khi ông biểu diễn tác phẩm này cùng New York Philharmonic dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng nổi tiếng Dmitri Mitropoulos. Vào ngày 25 tháng 11 năm 1972, Oistrakh cùng với con trai của nhà soạn nhạc là Maxim Shostakovich đã tiến hành ghi âm lại tác phẩm này, đây trở thành bản thu âm cuối cùng của ông. Năm 1960, ông được nhà nước Xôviết trao tặng giải thưởng Lenin danh giá và trở thành một biểu tượng của nền nghệ thuật Liên Xô cũng như là một đại sứ văn hóa của Liên Xô tại các nước phương Tây. Từ năm 1959, Oistrakh bắt đầu theo đuổi sự nghiệp thứ 2 của mình: trở thành chỉ huy dàn nhạc và ông có buổi chỉ huy ra mắt đầu tiên tại Moscow vào năm 1962. Ông đã thực hiện nhiều bản thu âm các tác phẩm của Brahms, Berlioz, Beethoven và đáng ngạc nhiên là cả Mahler (bản giao hưởng số 4 với phần soloist của Galina Vishnevskaya). Ngay cả trong lĩnh vực mới mẻ này, Oistrakh cũng được đánh giá rất cao. Ông cùng từng ghi âm trọn bộ Violin concerto với Berlin Philharmonic trên cả cương vị người chỉ huy và nghệ sĩ độc tấu.
Năm 1955 trong chuyến biểu diễn tại Mĩ, Oistrakh đã mua được cây đàn cây đàn 1714 Conte di Fontana Stradivarius và đến tháng 6 năm 1966, ông đổi lấy một cây violin cũ hơn 1705 Ex Marsick Stradivarius. Cây đàn này này trước kia là của nghệ sĩ violin người Pháp Pierre Joseph Marsick, giáo viên tại Nhạc viện Paris và là thầy của George Enescu và Jacques Thibaud. Đây cũng là cây đàn mà Oistrakh đã dùng để biểu diễn cho đến cuối cuộc đời. Thêm vào đó, Nữ hoàng Elisabeth của Vương quốc Bỉ, một nghệ sĩ violin tài năng, học trò của Eugene Ysaÿe và là người đỡ đầu cho cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên bà khi qua đời năm 1965 đã để lại di chúc tặng cây đàn Stradivarius của mình cho David Oistrakh – người mà bà vô cùng kính trọng. Oistrakh đã rất trân trọng món quà này giữ gìn nó vô cùng cẩn thận. Sau khi Oistrakh qua đời, vợ và con trai ông đã tặng lại cây đàn Stradivarius có âm thanh tuyệt vời này cho Glinka State Museum of Music, Moscow với hi vọng một ngày nào đó, người được sở hữu cây đàn này là sẽ một nghệ sĩ violin thần đồng của nước Nga.
Oistrakh bị một cơn đau tim tấn công và qua đời tại Amsterdam vào ngày 24 tháng 10 năm 1974.

Perlman, Itzhak
“Mọi khúc nhạc đối với tôi đều có một mục đích. Nó giống như là nói chuyện. Nếu bạn nói chuyện với một mục đích đặc biệt, người ta sẽ nghe bạn. Nhưng nếu bạn đọc thuộc lòng như vẹt, nó sẽ không còn ý nghĩa nữa.” - Itzhak Perlman. 
Một trong những nghệ sỹ violin vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, Itzhak Perlman sinh ngày 31 tháng 8 năm 1945 ở Tel Aviv, Israel. Là con trai của một thợ cắt tóc nhưng cậu đã được cầm trên tay cây đàn violin khi còn rất nhỏ. Itzhak đã được học những bài học đầu tiên ở Viện Hàn lâm Âm nhạc Tel Aviv. Người ta đã nhận ra tố chất của Itzhak và đã gửi Itzhak sang Mỹ tham gia vào Đoàn các Ngôi sao nghệ thuật (Caravan of Stars) của Ed Sullivan, một đoàn biểu diễn âm nhạc lưu động dành cho những đứa trẻ tài năng. Năm ấy Itzhak mới 13 tuổi mà đã chơi xuất sắc tác phẩm Flight of the bumble bee của Rimsky-Korsakov cũng như trong chương 1 bản violin concerto của Mendelssohn. Itzhak đã nhanh chóng giành được học bổng của Trường Juilliard và Quỹ Hoa Kỳ - Israel để được học với nhà sư phạm danh tiếng Ivan Galamian (và sau này là Dorothy Delay).
Perlman có buổi biểu diễn chính thức đầu tiên vào mùa xuân năm 1963 ở Carnegie Hall khi anh trình tấu bản Concerto Pha thăng thứ của Wieniawski. Năm sau đó, nghệ sỹ violin trẻ Itzhak Perlman tham gia Leventritt Competition, một cuộc thi danh tiếng ở New York (cuộc thi này cũng đã từng là dấu ấn thành công cho sự nghiệp của Van Cliburn và Pinchas Zukerman) và giành giải nhất. Sau giải Levintritt, anh đã ký được một hợp đồng với ông bầu nổi tiếng Sol Hurok, thực hiện một chuyến công diễn qua năm mươi thành phố ở Mỹ.
Năm 1991, Perlman nhận một Giải Grammy cho bản thu với hãng EMI Classics bản Concerto số 1 của Shostakovich và Concerto của Glazunov. Ông cũng đã từng thể hiện bản Concerto rất khó của Sibelius với một sự bộc lộ tài năng hiếm có và kỹ thuật hoàn hảo. Về buổi biểu diễn của Perlman, nhà phê bình Howard Klein của Thời báo New York đã viết: “… thực sự là một nghệ sỹ violin nhạy cảm… những nốt nhạc thật lớn lao trong sự ấm áp, đầy rộn ràng sôi nổi và cũng cực kỳ chính xác… hãy nghe Perlman diễn tả niềm vui ở mọi cấp bậc của kỹ thuật, âm nhạc và trên tất cả là cảm xúc con người. Người nghệ sỹ trẻ này có một thứ có thể đưa âm nhạc vượt lên trên mọi kỹ thuật, đó là trái tim.”
Trong suốt ba thập kỷ, Itzhak Perlman đã có được một sự nghiệp xuất sắc của một nghệ sỹ violin được yêu thích nhất và nổi tiếng nhất trên các sân khấu hòa nhạc. Ông đã thu âm hầu hết những tác phẩm lớn viết cho đàn violin, bổ sung vào kho tư liệu biểu diễn thể loại concerto. Ông đã tham gia vào nhóm các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới như Pinchas Zukerman, Isaac Stern, Yo-Yo Ma và Vladimir Ashkenazy để thu âm các tác phẩm thích phòng.
Rất nhiều tổ chức và giới truyền thông ngưỡng mộ và trọng vọng Perlman. Các trường đại học như Havard, Yale, Brandeis Roosevelt, Yeshiva và Hebrew đều đã trao tặng ông những học vị danh dự. Năm 1986, tổng thống Reagan trao tặng Perlman “Huân chương Tự do”. Tháng 12 năm 2000, tổng thống Clinton trao cho Perlman “Huân chương Nghệ thuật Quốc gia”. Năm 2003, ông được nhận một giải thưởng Danh dự Trung tâm Kennedy vì những thành tựu biểu diễn nghệ thuật của mình.
Trong suốt mười năm gần đây, Perlman cũng xuất hiện trên bục chỉ huy với cương vị nhạc trưởng, biểu diễn cùng các dàn nhạc Berlin Philharmonic, London Philharmonic, Royal Concertgebouw Orchestra, Israel Philharmonic, Chicago Symphony Orchestra, National Symphony Orchestra, Boston Symphony Orchestra, Los Angeles Philharmonic, San Francisco Symphony Orchestra và New York Philharmonic. Ông vừa kết thúc nhiệm kỳ làm nhạc trưởng khách mời chính thức của Detroit Symphony Orchestra và là cố vấn âm nhạc của St. Louis Symphony Orchestra trong hai mùa diễn.
Là một nhân vật chính trong các buổi biểu diễn nghệ thuật trên truyền hình, Itzhak Perlman đã được trao tặng bốn Giải Emmy, gần đây nhất là cho chương trình tư liệu Nghệ thuật Vĩ cầm cho Tương lai của Dịch vụ Truyền hình Công cộng (PBS - Public Broadcasting Service). Sự xuất hiện gần đây nhất của Perlman trên PBS ở Thượng Hải đã để lại một dấu ấn lịch sử không thể nào quên cho chuyến thăm của Chương trình Âm nhạc Perlman tới Trung Quốc. Ông cũng cộng tác như một nghệ sỹ độc tấu violin cho phần nhạc của nhà soạn nhạc John Williams trong bộ phim “Danh sách của Schindler” (đạo diễn Steven Spielberg), một bộ phim được trao Giải thưởng Hàn lâm.
Perlmann thu âm rất nhiều tác phẩm với Sony Classical, ông cộng tác các nghệ sỹ lừng danh như Issac Stern, Daniel Barenboim và các nhạc trưởng Zubin Mehta, Seiji Ozawa. Những bản thu âm của Perlman vẫn thường là những bản thu bán chạy nhất và đã nhận tới 15 Giải Grammy. Gần đây ông có thu âm Mozart với Berlin Philharmonic (EMI), vừa là nhạc trưởng vừa là người độc tấu. Hãng Deutsche Grammophon cũng vừa thực hiện một bản thu Perlman chỉ huy Israel Philharmonic.
Người ta đã kể nhiều và có lẽ còn kể mãi một câu chuyện cảm động về ông. Ngày 18 tháng 11 năm 1995, Perlman bước lên sân khấu trong Hội trường Avery Fisher tại Trung tâm Lincoln, thành phố New York. Nếu như bạn đã từng xem Perlman biểu diễn thì bạn cũng sẽ biết rằng, ngay cả viêc bước lên sân khấu cũng là một cố gắng lớn đối với ông. Perlman bị bại liệt từ nhỏ, ông thường phải đi lại rất khó khăn với một đôi nạng. Ông bước từng bước một lên sân khấu, đau đớn và chậm chạp. Ông ngồi xuống ghế, từ từ đặt đôi nạng xuống sàn, gỡ những chiếc kẹp khỏi ống quần, duỗi một chân ra trước và một chân ra sau. Ông cúi xuống, cầm lấy cây đàn violin, hất đầu ra hiệu cho nhạc trưởng và bắt đầu chơi.
Khán giả đều đã quen với cảnh ấy. Họ ngồi chờ đợi một cách yên lặng trong lúc ông bước khó nhọc lên ghế ngồi trên sân khấu. Họ chờ ông gỡ những chiếc cặp khỏi ống quần. Họ chờ cho đến lúc ông sẵn sàng chơi nhạc. Nhưng lần này, có một điều không may đã xảy ra. Khi ông chỉ vừa mới kết thúc vài ô nhịp, một âm thanh vang lên trong phòng hòa nhạc một cách đầy hụt hẫng, một dây đàn của ông bỗng nhiên bị đứt. Mọi người nghĩ thầm, đầy cảm thông với Perlman: “Thế là ông ấy sẽ lại phải đứng dậy, cài lại ống quần, bước qua sân khấu để tìm một cái đàn khác hoặc thay một dây khác.”
Nhưng Perlman đã không làm như vậy. Thay vào đó, ông chờ một lát, nhắm mắt lại sau đó ra hiệu cho nhạc trưởng bắt đầu lại. Dàn nhạc lại tiếp tục, và ông đã chơi từ đúng chỗ mà ông đã bỏ dở. Ông đã chơi với một niềm say mê, một sức mạnh, một sự thuần khiết khôn tả mà khán giả chưa bao giờ từng được nghe. Dĩ nhiên, ai cũng nghĩ rằng, chơi một tác phẩm giao hưởng chỉ với ba dây là điều không thể. Nhưng đêm ấy, Perlman đã không muốn nghĩ như thế. Không biết ông đã phải điều chỉnh những dây đàn và cây vĩ với một khả năng thiên tài tới mức nào. Có những lúc, ông đã làm cho ba dây đàn còn lại phát ra những âm thanh mà trước đó người ta chưa từng được nghe.
Khi tác phẩm kết thúc, đã có một sự im lặng diệu kỳ trong nhà hát. Rồi đột nhiên, mọi người đứng dậy và vỗ tay. Tiếng vỗ tay và tiếng cổ vui vang dội khắp nơi trong nhà hát. Những khán giả đã làm tất cả mọi điều để thể hiện lòng cảm kích vô bờ bến của họ đối với Perlman. Ông đã mỉm cười, đưa tay khẽ gạt mồ hôi trên trán rồi dùng vĩ ra hiệu mọi người ngừng lại. Ông nói với mọi người bằng một giọng trầm ngâm và đầy vẻ tôn kính: “Các bạn biết đấy, đôi khi nhiệm vụ của một người nghệ sỹ là khám phá ra anh vẫn có thể làm được nhiều tới mức nào cho âm nhạc chỉ với những thứ mà anh còn trong tay.”

 Milstein, Nathan





Nathan Mironovich Milstein sinh ngày 31 tháng 12 năm 1903 (có nhiều tài liệu cho rằng ông sinh năm 1904 nhưng chính Milstein khẳng định mình sinh năm 1903) ở Odessa, trong một gia đình Do Thái giàu có.
Sau những bài học violin đầu tiên với 1 sinh viên, Milstein đã được nhận vào lớp của Pyotr Stoljarsky - cũng là thầy giáo của David Oistrakh - khi mới lên 7. Dưới sự dìu dắt của Stoljarsky, cậu bé Nathan đã thêm yêu quí cây đàn và tài năng ngày một nở rộ. Năm 1916, Stoljarsky tiến cử Nathan với Leopold Auer - nghệ sĩ, thầy giáo violin nổi tiếng và uy tín nhất thời bấy giờ. Cậu bé chơi Partita số 2 cho violin độc tấu giọng Rê thứ của J.S. Bach; Nathan được chấp nhận và cùng mẹ lên đường tới St. Petersburg.
Ngay từ những bài học đầu tiên với Auer, Milstein đã phải chơi concerto giọng Pha thăng thứ của H.W. Ernst, đó là một bản nhạc rất khó (lời bình luận của Auer ở lớp của ông là: “các cậu thấy cái kĩ thuật đến từ biển Đen thế nào hả?”).
Ở tuổi 13, Milstein bắt đầu có những buổi trình diễn ở Odessa. Năm 1921, Milstein đến Kiev và gặp gỡ với Vladimir Horowitz. Họ trở thành những người bạn thân. Milstein chuyển đến sống cùng với Horowitz và họ bắt đầu cùng nhau lưu diễn khắp Liên Xô, nơi mà cảm thụ âm nhạc của họ hoà làm một ở cái tuổi chín muồi của các xúc cảm. Lúc này họ được gọi là “Những đứa con của Cách mạng Xôviết”. Nổi bật nhất là buổi trình diễn ở St. Peterburg vào năm 1923. Tuy nhiên trong chương trình này, màn trình diễn xuất sắc của Milstein với violin concerto của Glazunov đã bị lu mờ trước chàng trai trẻ Horowitz với piano concerto giọng Mi giáng trưởng của Lizst và Rê thứ của Rachmaninov.
Ngày 25 tháng 12 năm 1925, hai chàng trai đã đến biểu diễn tại Berlin và không được thành công như mong đợi. Tuy nhiên, cả hai đã không quay trở lại Liên Xô như họ phải làm mà chuyển đến Paris, ở đó một lịch biểu diễn khắc nghiệt đã mang lại những thành công ban đầu, từ Paris, Horowitz thực hiện 1 tour diễn vòng quanh châu Âu còn Milstein tiếp tục lưu diễn tại các nước Nam Mỹ. Mặc dù trong thời gian này chàng trai trẻ đã được biểu diễn cùng những nhạc trưởng xuất sắc như Mengelberg, Furtwangler, Knappertsbusch và Muck nhưng công chúng chỉ thực sự chú ý tới Milstein khi anh có buổi ra mắt tại Vienna trước những vị khán giả như Arnold Schoenberg, Alban Berg, Karl Amadeus Hartmann và nhà phê bình Julius Korngold - người đã có 1 bài viết bình luận về buổi biểu diễn này. Dù vậy thì Milstein cũng không thể chinh phục phương Tây nhanh chóng bằng Horowitz.
Trong suốt những năm từ 1925 đến 1929, Milstein đã gây dựng sự nghiệp của mình ở rất nhiều quốc gia mà quan trọng nhất là buổi trình diễn đầu tiên của ông ở Hoa Kỳ. Ông đến Mỹ vào tháng 10 năm 1929. Thời gian đó nước Mỹ bị thống trị bởi Jascha Heifetz và Fritz Kreisler, tuy vậy, Nathan Milstein vẫn giành được thành công khi được gia nhập vào hàng ngũ những tinh hoa violin của thế giới. Buổi công diễn đầu tiên của ông ở đất Mỹ diễn ra vào ngày 29 tháng 11 năm 1929 khi ông cùng Leopold Stokowski và Philadelphia Orchestra biểu diễn concerto của Glazunov, một tác phẩm luôn theo ông trong suốt sự nghiệp của mình. Với sự hoan nghênh ở buổi ra mắt New York cùng New York Philharmonic vào ngày 23 tháng 1 năm 1930, sự hiện diện của ông ở các recital và concert đã thành một điều hiển nhiên trong đời sống âm nhạc nước Mỹ. Và tại đêm diễn cuối cùng trong nhiệm kì của mình với New York Philharmonic, Arturo Toscanini đã mời Milstein làm nghệ sĩ độc tấu trong chương trình. Sự nổi tiếng của ông trên nước Mĩ cũng như toàn thế giới ngày càng được ghi nhận, đặc biệt là vào những năm sau Thế chiến thứ 2. Vào năm 1943, ông được nhập quốc tịch Mĩ. Sau khi kết thúc chiến tranh ông trở về châu Âu, chuyển đến sống tại London rồi sau đó là Vienna và Salzburg đồng thời tiếp tục thực hiện những chuyến lưu diễn cũng như dạy các lớp Master class trên khắp thế giới (trong đó gắn bó mật thiết nhất là Julliard School và Zurich Conservatoire). Trong số những nguời từng học với ông đã có nhiều người trở thành những violinist nổi tiếng như Salvatore Accardo hay Erick Friedman.
Được coi là một trong những nghệ sĩ violin nổi tiếng nhất thế kỉ 20 đặc biệt là với những tác phẩm dành cho violin của Bach, Milstein luôn có những buổi biểu diễn cố định hàng năm các tác phẩm này ở Vienna Festival hay Salzburg Festival kéo dài suốt từ năm 1955 đến 1985. Tuy nhiên, nước Mĩ vẫn luôn là địa chỉ quen thuộc của ông.
Ngày mùng 5 tháng 11 năm 1979, vào một mùa thu vui vẻ trong sự nghiệp lâu dài và kỳ diệu của mình, Nathan Milstein đã có một recital nhân kỉ niệm 50 năm buổi biểu diễn đầu tiên trên đất Mĩ tại Carnegie Hall. Một vài người có mặt gọi nó là một buổi triệu tập “những con cua kéo đàn”. “Dường như mọi người đều ở cả đó”, nhà phê bình Harold C. Schonberg đã viết như vậy trên tờ New York Times, “từ Joseph Fuchs và Itzhak Perlman đến tất cả mọi violinist trong dàn nhạc thành phố có một đêm rỗi rãi, và cả những tay violinist trẻ tuổi từ Juilliard, Curtis và từ bất kì đâu”. Cho tới năm 1979, Milstein là người duy nhất trong số những học trò ngày nào của Leopold Auer còn biểu diễn. Jascha Heifetz với một thế đứng vững chắc, đã rút vào sự im lặng quyền uy; còn Mischa Elman, Toscha Seidel và Efrem Zimbalist đều đã mất. Rất nhiều người khác cũng tài năng không kém nhưng vẫn ít được biết đến, những học trò của Auer đã trở thành những ký ức lạ lẫm. Chỉ còn một mình Milstein là vẫn còn đó và vào cái đêm của năm 1979, ông vẫn có thể tạo nên một Chaconne trích từ Partita số 2 giọng Rê thứ của Bach siêu việt đầy xúc động, vẫn có thể tìm thấy sự căng thẳng đầy tinh tế và phức tạp trong Violin sonata giọng La trưởng của Franck.
Sự quyến rũ là ở chỗ, được xem tận mắt Milstein trong vẻ đăm chiêu, một biểu tượng giản dị - một dáng vẻ hoài cổ, một mẫu mực của một phong cách cao quí đang dần biến mất ở thế hệ sau; không còn sự giản dị cũng như sự đa cảm. Suốt cuộc đời mình, Milstein từ chối các danh hiệu, và ông thể hiện còn vượt xa những danh hiệu đó, đặc biệt là trong những buổi biểu diễn ở thời kỳ đỉnh cao đã đạt được trong những bản thu âm. Thực tế, ông biết đâu đã là người ít chất “Nga” nhất trong các nghệ sĩ bậc thầy của Nga. Chắc chắn, quan niệm của ông về âm nhạc đã được hình thành qua quá trình rèn luyện, và cách chơi của ông chứng tỏ cái phong cách “Russian” mà nhiều giáo viên và người chơi ngày nay cho là lỗi mốt. Nhưng Milstein thường xuyên xem nhẹ sự chi phối trực tiếp từ cả 3 người thầy của mình (thực ra Auer không được Milstein trực tiếp đề cập đến trong tự truyện của ông). Cách chơi của ông không theo khuôn mẫu của bất kỳ ai mà tự tạo một phong cách riêng cho mình và dần dần hoàn thiện nó. Nó không dai dẳng và buồn bã như tiếng đàn của Elman, không khiến thính giả kích động như Heifetz. Kỹ thuật của ông thật kỳ lạ. Tiếng đàn tinh tế và quý phái của ông thực sự có thể làm mê hồn người. Sự mãnh liệt và khoẻ khoắn trong cách chơi có thể cảm nhận thấy rõ ràng và đầy ly kì. Nhưng không một yếu tố nào trong số này lại kìm hãm những cái còn lại và không có cái nào quá mờ nhạt hay quá nổi bật khi ông chơi, tất cả chúng hoà chung một cách tự nhiên và nhạc cảm sâu sắc đến nỗi làm cho Milstein gần như là duy nhất. Không phải nghi ngờ gì khi nói kỹ thuật của ông là tao nhã nhất và hoàn hảo nhất của thời mình.
Bên cạnh sự nghiệp biểu diễn violin, Milstein còn được biết đến với tư cách một nhà chuyển soạn và một nhạc sĩ. Ông đã phối lại nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Liszt, Chopin và Mussorgsky cho đàn violin cũng như soạn cadenza cho các violin concerto của Beethoven, Brahms hay Paganini. Và một trong những tác phẩm do ông sáng tác được nhiều nghệ sĩ sau này biểu diễn là Paganiniana. Trong cuộc đời biểu diễn của mình, Milstein đã sử dụng nhiều cây đàn violin nhưng từ năm 1945 ông trung thành với cây đàn 1716 "Goldman" Stradivari mà ông đổi tên thành "Maria Teresa"; Maria là tên con gái còn Teresa là tên vợ của ông.
Sự nghiệp biểu diễn của Milstein tiếp tục ghi lại những dấu ấn cho đến tận năm 1987, khi một cánh tay bị gãy buộc violinist 83 tuổi phải nghỉ hưu. Nathan Milstein mất ngày 21 tháng 12 năm 1992, 10 ngày trước sinh nhật lần thứ 89 của ông ở London.
“Có thể ông là một violinist gần như hoàn hảo nhất ở thời mình” - Harold C. Schonberg đã đúc kết lại như thế trên New York Times vào cái ngày đưa tang Milstein. “Jascha Heifetz có được một kỹ thuật kích thích hơn, nhưng có người lại so sánh rằng, dù đúng dù sai, nó quá lãnh đạm và bàng quan. Joseph Szigeti có lẽ là một người giỏi trong việc phát hiện ra tài năng âm nhạc hơn và là một kho tư liệu rộng lớn hơn, cho rằng thanh âm và kỹ thuật của Milstein có thể mang mọi thứ cùng một lúc hoà làm một, là một điều mà cực ít người chơi violin thời ông làm được.”
Hilary Hahn

“Hilary Hahn là một trong những nghệ sĩ tài ba hiếm hoi có thể khiến bạn bị choáng ngợp bằng sự nhiệt tình, sôi nổi của mình đồng thời khiến bạn chết lặng người bằng kĩ thuật khéo léo cũng như những cảm xúc sâu lắng trong nghệ thuật trình tấu của cô”
Nghệ sĩ violin trẻ tài năng Hilary Hahn bắt đầu sự nghiệp quốc tế của mình khi lên 15 tuổi. Chỉ 2 năm sau, những dàn nhạc danh tiếng của vùng Bắc Mĩ như St. Louis Symphony Orchestra, Detroit Symphony Orchestra hay Houston Symphony Orchestra đều cảm thấy vinh dự khi được biểu diễn cùng với Hahn. Là một tài năng đặc biệt, ngày nay Hahn được đánh giá là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất thế giới.
Hilary Hahn sinh ngày 27 tháng 11 năm 1979 tại Lexington, Virginia. Cô lớn lên tại Baltimore, Maryland và theo học phổ thông tại Pennsylvania. Tình cờ biết đến cây đàn violin khi một lần Hilary theo cha sang chơi nhà hàng xóm và đúng 1 tháng trước khi sinh nhật lần thứ 4, Hilary bắt đầu theo học violin tại Nhạc viện Peabody, Baltimore theo một giáo trình dành cho thiếu nhi của Suzuki. Một năm sau cô bé theo học tư với Klara Berkovich, người đã từng có một thời gian dài 25 năm dạy violin tại Leningrad School – nơi chuyên đào tạo những tài năng trẻ. Berkovich đã dạy Hahn cho đến khi cô lên 10 tuổi. Ở độ tuổi này, Hahn đã có một recital đầu tiên trong cuộc đời mình với các tác phẩm: Violin sonata của George Frideric Handel; Siciliano và Presto trích từ Sonata dành cho violin solo số 3 giọng Son thứ của Johann Sebastian Bach; Caprice giọng La thứ của Henryk Wieniawski; Chaconne của Tommaso Antonio Vitali; Romance của Reinhold Glière cũng như một vài tiểu phẩm khác - một điều hiếm có đối với một cô bé mới 10 tuổi. Sau đó, Hahn được nhận vào Curtis Institute of Music - một trong những trường nhạc danh tiếng nhất ở Mĩ và tại đây tài năng của Hahn đã gây được ấn tượng với Jascha Brodsky - một trong những giảng viên violin kì cựu, người học trò cuối cùng của violinist danh tiếng người Bỉ Eugène Ysaÿe – và ông đã nhận cô vào lớp của mình. Brodsky đã tạo cho Hahn một nền tảng kĩ thuật cơ bản rất hoàn hảo khi ông hướng cô vào những bài etude của Kreutzer, Ševčík, Gaviniès, Rode cũng như các Caprice của Niccolo Paganini.
Tháng 12 năm 1991, chỉ sau một năm học tại Học viện Curtis, Hahn đã có buổi biểu diễn đầu tiên của mình với Baltimore Symphony Orchestra và chỉ huy dàn nhạc là David Zinman. Zinman tỏ ra rất quý mến Hahn và ông đã trở thành người đỡ đầu đầy kinh nghiệm cho cô bé. Năm 1993, Hahn lần lượt thực hiện các chương trình hoà nhạc cùng với các dàn nhạc danh tiếng như Philadelphia Orchestra, Cleveland Orchestra, Pittsburgh Symphony Orchestra và New York Philharmonic. Sự nghiệp quốc tế của Hahn bắt đầu vào tháng 3 năm 1995 bằng buổi biểu diễn tại Munich, Đức và được phát thanh và truyền hình trên toàn châu Âu. Trong chương trình này, Hahn đã trình tấu bản Violin concerto của nhạc sĩ thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven cùng Bavarian Radio Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lorin Maazel. Nhà phê bình Süddeutscher Zeitung đã thốt lên sau khi chứng kiến đêm diễn này: “Một tài năng hiếm có chỉ xuất hiện vài lần trong thế kỉ”. Chỉ 2 tháng sau cô đã được trao giải thưởng Avery Fischer Career Grant. Ngay lập tức Sony Classical đã nhận ra tài năng thiên bẩm đầy hứa hẹn của Hahn và năm 1996, cô kí hợp đồng với Sony Classcal. Hahn đã trở thành một trong những nghệ sĩ trẻ nhất trong lịch sử có hợp đồng ghi âm cùng Sony Classical. Một năm sau album đầu tiên của Hahn ra đời và ngay lập tức trở thành một trong những đĩa nhạc cổ điển bán chạy nhất. Hahn đã nhận xét về “Hilary Hahn plays Bach”, album đầu tiên của mình gồm các sonata và partita - những tác phẩm phẩm dành cho violin solo và được đánh giá là phức tạp nhất: “Johann Sebastian Bach đối với tôi, là thước đo tài năng thật sự. Các tác phẩm này đòi hỏi những âm điệu thật tinh khiết đến từng nốt lặng, mỗi câu nhạc nói lên những âm điệu khác nhau, không cho phép có bất kì sự cẩu thả nào. Kết cấu tác phẩm vô cùng mạch lạc đối với người nghe dù không hề có sự mô phạm nào. Không một ai có thể dối trá trước Bach. Và nếu như một nghệ sĩ có thể chơi tốt các tác phẩm của Bach, thì đó là con đường tốt nhất để vươn đến đỉnh cao”. Kể từ đó các tác phẩm này đã trở thành những tiết mục “đinh” trong những buổi biểu diễn của cô. Và với “Hilary Hahn plays Bach”, Hahn đã được nhận giải thưởng French Diapason d’Or dành cho nghệ sĩ trẻ tài năng vào năm 1998.
Năm 1998 là năm có nhiều sự kiện đối với Hahn. Trong năm này, cô biểu diễn lần đầu tiên ở Paris vào tháng 1 năm 1998 với Orchestre Philharmonique de Radio France và nhạc trưởng Marek Janowski, chương trình đã được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Pháp. Và trong mùa xuân năm 1998, cùng với Maazel và Bavarian Radio Symphony Orchestra, cô đã thực hiện chuyến lưu diễn tại London, Birmingham, Glasgow, Hamburg, Stuttgart, Zurich và Vienna. Cũng trong năm này, Hahn lần đầu ra mắt tại New York khi cô thực hiện 1 recital tại Alice Tully Hall, Lincoln Center for the Perfoming Arts, một thành tích đáng chú ý đối với một nghệ sĩ trẻ mới 18 tuổi. Và Hahn cũng đã đặt dấu ấn đầu tiên của minh lên phòng hòa nhạc danh giá Carnegie Hall bằng một chương trình hoà nhạc cùng với St. Louis Symphony Orchestra và nhạc trưởng Hans Vonk. Dù đã hoàn thành chương trình học tại Curtis Institute of Music khi mới 16 tuổi nhưng đến ngày 19 tháng 5 năm 1999, Hahn mới nhận tấm bằng cử nhân tại Học viện này sau khi kết thúc những môn học tự chọn. Những môn học cộng thêm của Hahn là nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, trau dồi thêm nghệ thuật biểu diễn violin với Jaime Laredo (Jascha Brodsky đã qua đời vào ngày 3 tháng 3 năm 1997) và nâng cao khả năng hoà tấu thính phòng với Felix Galimir và Gary Graffman. Sau này, trong một cuộc trả lời phỏng vấn PBS vào tháng 12 năm 2001, Hahn cho biết trong số các môn học, cô cảm thấy hứng thú nhất với môn nghệ thuật trình diễn. Cũng trong năm này, Hahn đã hoàn thành album thứ 2 của mình và lại là với Sony Classical. Cùng với Zinman và Baltimore Symphony Orchestra, Hahn đã tiến hành thu âm Violin concerto của Beethoven và Seranade cho violin solo, dàn dây, Harp và Perccusion của nhạc trưởng, nhà soạn nhạc Leonard Bernstein. Với album này, Hahn đã lần đầu được đề cử giải Grammy dành cho Nghệ sĩ độc tấu xuất sắc nhất cùng với dàn nhạc và nó cũng trở thành một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất trong năm. Đồng thời Hahn có được giải thưởng French Diapason d’Or lần thứ 2. Trong mùa diễn 1998 – 1999, Hahn lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Australia trong một chuyến lưu diễn dài 5 tuần. Tuy nhiên dấu ấn lớn nhất với cô trong mùa diễn này phải là sự xuất hiện lần đầu của cô với một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới Berlin Philharmonic trong chuyến lưu diễn tại Nhật Bản với các nhạc trưởng Claudio Abbado và Mariss Jansons. Trong đợt biểu diễn này, Hahn đã chơi các tác phẩm Violin concerto của Beethoven và Violin concerto số 1 của Dmitri Shostakovich.
Hiện tại Hahn đang biểu diễn trên cây đàn 1864 Jean-Baptist Villaume Guarneus trước đây thuộc quyền sở hữu của nghệ sĩ violin người Nga Samuel Lande, một người bạn của Klara Berkovich - thầy giáo đầu tiên của cô.
Trong tháng 9 năm 1999, tại Fargo, North Dakota, tác phẩm Violin concerto của Edgar Meyer đã được công diễn lần đầu trên toàn thế giới dưới sự biểu diễn của Hilary Hahn, Saint Paul Chamber Orchestra và nhạc trưởng Hugo Wolff. Đây là tác phẩm mà nhạc sĩ, nghệ sĩ contrabass người Mĩ Meyer đặc biệt dành tặng cho Hahn. Hahn cho biết: “Chúng tôi lần đầu gặp nhau khi cùng nhau biểu diễn tác phẩm Brandenburg Concerto của Bach vào năm 1996 tại New York. Violin concerto này là bản nhạc đầu tiên tôi được đề tặng và là tác phẩm đầu tiên lần đầu tiên được ra mắt khán giả do tôi biểu diễn. Tôi không thể hạnh phúc hơn vì có một tác phẩm tràn đầy lòng nhiệt tình, sức mạnh, kịch tính và trữ tình dành cho tôi.” Chỉ một tuần sau khi diễn trên sân khấu, cả êkíp trên (Hahn, Wolff và Saint Paul Chamber Orchestra) đã tiến hành ghi âm tác phẩm này cùng với Violin concerto của Samuel Barber. Đĩa nhạc này được Sony Classical phát hành vào tháng 3 năm 2000 và mang về cho Hahn giải German music critics cũng như đưa cô lên trang bìa của Gramphone - một trong những tạp chí về nhạc cổ điển uy tín nhất trên thế giới.
Bên cạnh sự nghiệp là một nghệ sĩ độc tấu, Hahn cũng rất quan tâm đến mảng âm nhạc thính phòng. Cứ đều đặn từ năm 1992, mùa hè nào cô cũng xuất hiện tại Skaneateles Chamber Music Festival, biểu diễn hoà tấu cũng như độc tấu cùng dàn nhạc. Từ năm 1995 đến năm 2000, Hahn có 4 mùa hè nghiên cứu và biểu diễn hoà tấu thính phòng tại Marlboro Music Festival, Vermont. Từ năm 1996 đến năm 1998, cô trở thành thành viên của dàn nhạc thính phòng Chamber Music Society of Lincoln Center. Dù vậy thì vai trò soloist của cô được chú ý hơn trong những năm đầu tiên của thế kỉ 21. Album thứ 4 của Hahn với Sony Classical, các violin concerto của Johannes Brahms và Igor Stravinsky mà cô biểu diễn cùng Academy of St. Martin in the Fields dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Sir Neville Marriner phát hành vào năm 2001 đã giành được giải Grammy dành cho Nghệ sĩ xuất sắc nhất cùng với dàn nhạc. Và cuối năm này, tạp chí Time đã phong tặng cho Hahn danh hiệu Nghệ sĩ nhạc cổ điển trẻ xuất sắc nhất nước Mĩ. Album thứ 5 và cũng là cuối cùng của Hahn với Sony Classical ra đời vào mùa thu năm 2002 với Violin concerto giọng Mi thứ của Felix Mendelssohn và Violin concerto số 1 của Dmitri Shostakovich mà Hahn biểu diễn cùng Oslo Philharmonic cùng các nhạc trưởng Hugh Wolff và Marek Janowski.
Trên thực tế, trước khi hợp đồng giữa Hahn và Sony Classical sắp hết hạn, 2 bên đã ngồi lại với nhau để thương thảo về 1 bản hợp đồng mới. Tuy nhiên 2 bên đã không thống nhất được với nhau khi Sony Classical không đồng ý với những kế hoạch tương lai của Hahn. Không bỏ lỡ cơ hội, Deutsche Grammophon nhảy vào và đã có được một bản hợp đồng độc quyền với Hahn từ năm 2003. Quả ngọt đầu tiên của sự kết hợp này là 4 bản violin concerto của Johann Sebastian Bach - nhà soạn nhạc mà Hahn tôn thờ - được phát hành vào tháng 9 năm 2003. Trong đĩa nhạc này, Hahn đã biểu diễn cùng với Los Angeles Chamber Orchestra, nhạc trưởng Jeffrey Kahane, nghệ sĩ violin Margaret Batjer (trong BWV. 1043) và nghệ sĩ kèn oboe Allan Vogel (BWV. 1060). Với Hahn, Bach là nhạc sĩ vĩ đại và khó chinh phục nhất: “Có những lúc tôi tự hỏi điều gì khiến Bach tách biệt hẳn với các nhạc sĩ khác? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Dù rằng có nhiều chi tiết giúp bạn có thể chỉ ra, ví dụ như nụ cười nổi tiếng của nàng Mona Lisa chẳng hạn, những yếu tố dễ phân biệt nhất lại rất khó nắm bắt. Nhiều người nhấn mạnh rằng âm nhạc của Bach đã nắm bắt được bản chất của con người, mang đến những yếu tố phức hợp giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự cô đơn và đồng cảm, giữa niềm vui và nỗi đau. Người nghe có thể thông qua mâu thuẫn này để đến với một sự hài hoà tươi đẹp. Nhưng sự hài hoà tươi đẹp dễ thoả mãn này lại không che đậy được một sự chờ đợi khắc khoải liên tục. Tôi cảm thấy đó là sự thật về tất cả các sáng tác của Bach.”
Dù rằng rất bận rộn với vô số buổi biểu diễn trên phạm vi toàn thế giới nhưng Hahn tiếp tục có các bản ghi âm với Deutsche Grammphon. Album thứ 2 là các tác phẩm của những nhạc sĩ người Anh, Violin concerto của Edward Elgar và The Lark Ascending của Ralph Vaughan Williams. Và vào năm 2005, nhân dịp kỉ niệm 250 ngày sinh Wolfgang Amadeus Mozart, Hahn đã cho xuất bản album trong đó cô biểu diễn 4 Violin sonata của nhà soạn nhạc thiên tài này. Đây cũng là đĩa nhạc đầu tiên Hahn thực hiện cùng nghệ sĩ piano Natalia Zhu - người bạn diễn thân thiết của cô trong các buổi hoà nhạc thính phòng. Album mới nhất của Hahn được Deutsche Grammophon phát hành vào tháng 10 năm 2006 với Violin concerto số 1 của Niccolo Paganini và Violin concerto số 8 của Louis Spohr cùng với nhạc trưởng Eiji Oue và Swedish Radio Symphony Orchestra.
Hiện tại, Hilary Hahn có một lịch diễn dày đặc. Cô liên tục xuất hiện tại các phòng hoà nhạc danh giá tại Châu Âu và Bắc Mĩ cùng với những dàn nhạc hàng đầu như Chicago Symphony Orchestra, Cleveland Orchestra, New York Philharmonic hay London Symphony Orchestra. Với tuổi đời còn rất trẻ, chắc chắn Hahn sẽ còn tiến xa trên con đường nghệ thuật của mình.
(Sưu tầm từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau)

No comments:

Post a Comment

Người Theo Dõi