Wednesday 23 May 2012

Luyện đôi tai âm nhạc

Với người nghe nhạc, chơi nhạc hay làm nhạc hay vân vân những thứ gì đó liên quan đến nhạc thì đều rất cần đến 1 đôi tai. Và tất nhiên ai cũng muốn có 1 đôi tai âm nhạc tốt đúng ko? Giới thiệu cho mọi người bài viết này tham khảo nhé! Khá hay đấy...



I) LUYỆN TAI
Có lẽ bạn đã nhiều lần để ý thấy điều này: có một số người hình như nhậy bén về âm nhạc hơn phần đông chúng ta. Chẳng hạn, họ có thể “bắt giọng” rất nhanh, như khi nghe thấy một nốt nhạc hay một câu hát, họ có khả năng lập lại đúng y như thế không mấy khó nhọc. Họ hát thường rất đúng giọng và bắt nhịp một bản nhạc một cách rất tự nhiên. Phải chăng là họ “có khiếu” hơn đa số chúng ta ?
Tôi không dám lạm bàn về thế nào là năng khiếu bẩm sinh, nhưng tôi nghĩ những khả năng nêu trên đều có thể học và luyện tập được.
Trái với một số quan niệm thông thường, tôi cho rằng những khả năng đó không phải là kết quả trực tiếp của sự tập tành kỹ thuật đánh đàn hay chơi nhạc. Bằng chứng là có nhiều người độc tấu đàn rất khá nhưng lại vô cùng bỡ ngỡ khi phải hát lên bản nhạc mình đang đánh, hoặc lập lại một câu nhạc một người khác vừa chơi.
Phải chăng vì người ấy “không có khiếu” ? Tôi không nghĩ vậy. Theo tôi, người đó có lẽ đã quá chú trọng đến “kỹ thuật tay” mà không dành đủ thì giờ và công sức để luyện tập “kỹ thuật tai” mà thôi.
II) TẠI SAO "KỸ THUẬT TAI" QUAN TRỌNG?
Ngoài sự kiện kỹ thuật tai giúp ta nghe thấy mình đang chơi đúng hay sai, hay hay dở, nó còn giúp cho ta:
• biết “hưởng” âm nhạc ta chơi
• biết chơi chung với người khác
• biết chơi ngẫu hứng, biết sáng tạo.
Tóm lại, kỹ thuật tai đem lại cho ta niềm vui thú chơi nhạc, một điều kiện không thể thiếu được nếu ta muốn tiến xa trên con đường âm nhạc.
III) LÀM SAO TRAU DỒI "KỸ THUẬT TAI" ?
Trong những chương sau, tôi sẽ đưa ra một số phương cách để bạn tự thực tập. Nhưng những phương cách này tựu chung đều dựa trên 2 yếu tố căn bản:
Yếu tố thứ nhất: nghe nhạc thật nhiều
Phải có thu vào thì mới phát ra được, đây là căn bản của mọi sự học hỏi thật sự. Cách đây mấy chục năm, ông Shinichi Suzuki đã khai phá phương pháp dạy nhạc mang tên ông khi ông nhận xét rằng tất cả trẻ con ở bất cứ nước nào hay thời nào, đều học tiếng mẹ đẻ của chúng một cách tự nhiên mà chẳng cần phải đến trường. Theo ông, đó là vì chúng học nói khi chúng nghe người khác nói chuyện mỗi ngày. Từ đó, ông mới quan niệm nhạc cũng có thể học một cách tự nhiên nếu ta nghe nhạc hằng ngày ngay từ lúc bé.
Tôi đồng ý với quan niệm này, chỉ khổ nỗi đa số chúng ta đã không được nghe nhạc thường xuyên khi còn bé, nên bây giờ đành phải cố đuổi bắt vậy !
• Khi ta nghe nhạc, “ngôn ngữ” của âm nhạc thấm vào “người” của ta lúc nào không hay. Tốt nhất là hãy chăm chú nghe nhạc, nhưng nếu ta không có thì giờ, hãy để nhạc chơi nhè nhẹ, ta không cần để ý đến nó.
• Nên nghe nhạc loại nào? Càng nhiều loại càng tốt, vì mỗi loại nhạc có những cách diễn tả riêng. Ðừng đem lòng e ngại đối với nhạc cổ điển Tây Phương, nhạc jazz, rap, rockn’roll, blues, gospel, v.v... Về phía Việt Nam, hãy tìm về dân ca, cổ nhạc, ngâm thơ, v.v... Hãy mạo hiểm tìm nghe nhạc Phi Châu, Nam Mỹ, Ðông Âu, v.v... Về các thể loại, hãy đừng bỏ qua nhạc hòa tấu, hợp xướng, nhạc tôn giáo, nhạc nhi đồng, v.v...Càng mở rộng bao nhiêu thì sự cảm nhạc càng nhậy thêm. Tôi nghiệm thấy những đài phát thanh chuyên về âm nhạc thường hay có những chương trình rất đa dạng.
• Hãy chọn lọc nhạc có chất lượng cao để thưởng thức.
• Hãy nghe nhạc khi có dịp, chẳng hạn khi lái xe, khi mới thức dậy (nhạc nhẹ vui), khi sắp sửa đi ngủ (nhạc êm dịu), khi làm bếp, may vá, đọc sách, làm việc nhà, viết lách. Nhưng đừng để nhạc trong chỗ ồn ào.
• Khi cần chú tâm vào công việc khác, nên vặn nhạc nhỏ, vừa đủ để nhạc len lén vào hồn. Khi có thì giờ thưởng thức nhạc, hãy đóng cửa phòng lại, nghe một mình, và vặn to lên để nhạc tràn vào hồn.
• Bài nào mình thật thích, hãy nghe lại nhiều lần, vì mỗi lần sẽ khám phá thêm.
Tóm lại, nghe nhạc là một niềm hạnh phúc rất dễ đạt được. Ta càng “hưởng thụ” nhạc bao nhiêu thì sự rung động trong tâm ta càng đồng điệu với nhạc bấy nhiêu, và khả năng hấp thụ hồn nhạc của ta cũng tăng thêm tương tự.
Yếu tố thứ nhì: ca hát thật nhiều.
Thưa vâng, bạn hãy hát càng nhiều càng tốt. Trong phần sau tôi sẽ đi vào chi tiết hơn về kỹ thuất bắt giọng, nhưng ngay từ bây giờ bạn hãy... hát lên đi.
• Khi nghe nhạc, ta thường thụ động. Nhưng khi ta hát, ta tích cực. Sự lợi ích sẽ tăng lên gấp mấy lần.
• Khi ta đánh đàn, hãy hát lên giai điệu của bản nhạc. Tốt nhất là vừa hát bài hát, vừa tự đệm đàn, mới đầu có thể thấy hơi khó khăn, nhưng khi quen rồi, nếu không hát sẽ thấy thiếu thốn.
• Sau khi đánh xong bản nhạc, ta nên hát lại bản đó thêm một vài lần, nhưng lần này không có đàn, để âm hưởng bản nhạc còn kéo dài mãi.
• Khi ta nghe nhạc, hãy hát theo bản nhạc. Nếu không biết lời thì âm ư theo cũng được.
• Nếu cảm thấy mình hát lạc giọng so với bản nhạc, đừng thất vọng. Bí quyết hát đúng giọng là khi hát, mình nghe được cả giọng mình lẫn âm điệu trong bản nhạc. Nghe được cả hai sẽ giúp mình điều chỉnh giọng đúng trở lại.
• Hãy hát trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi đi dạo bộ, đi tắm, lái xe, làm vườn, làm việc nhà, v.v...
Cũng như nghe nhạc, ca hát là một niềm hạnh phúc rất dễ đạt được. Ta càng ngất ngây trong tiếng hát bao nhiêu thì khả năng điều chỉnh nội tâm của mình để hoà nhập vào giòng nhạc càng tăng thêm bấy nhiêu.
Trở lại chuyện luyện tai, nếu nghe nhạc sẽ phát triển khả năng hấp thụ của ta (cái tai thụ động), thì ca hát sẽ giúp ta biến khả năng thu nhận đó thành khả năng hòa đồng (điều chỉnh giọng hát theo những gì tai nghe thấy), và từ đó tăng cường khả năng “làm nhạc” tích cực (toàn thể thân thể của ta đã hòa điệu, nên tay gẩy đàn và tay bấm đàn thể hiện sự đồng điệu đó).
Luyện tai chính là bí quyết để luyện tay vậy.
IV) MỘT SỐ TRANG WEB GIÚP BẠN LUYỆN TAI (EAR TRAINING)
Khi khởi đầu trang web này, tôi có ý định thực hiện một phương pháp để bạn luyện tai vì khi chơi nhạc, không sớm thì muộn, bạn sẽ cần đến những kỹ thuật này. Tuy nhiên, thực hiện một chưong trình như vậy đòi hỏi nhiều thì giờ và công sức, cũng không kém việc thực hiện trang tập guitar này.
Ðể giúp bạn có nơi tham khảo nếu bạn muốn đào sâu hơn về luyện tai, tôi xin liệt kê ra đây một số trang web liên quan đến đề tài này. Theo chỗ tôi hiểu, những trang này đều miễn phí và đưa ra môt số phương pháp luyện tập hữu ích. Chúc bạn tấn tới.
http://www.ossmann.com/bigears/
http://www.worldvillage.com/~jchuang/Ear/
http://www.geocities.com/musicalintervalstutor/
http://www.good-ear.com/

1 comment:

  1. Đề nghị mọi người không vào blog của mình đẻ spam nhé!

    ReplyDelete

Người Theo Dõi