Saturday 19 May 2012
Lịch sử cấu tạo violin
Việc lắp ghép 70 bộ phận của cây đàn violin với nhau đòi hỏi sự khéo léo tuyệt vời mà hầu như không ai vượt qua được những nghệ nhân sinh sống giữa những năm 1650 và 1750 như Antonio Stradivari (1644-1737), Guiseppe Guarneri (1666-1710), Nicolo Amati (1596 -1684) và gia đình của họ tại Cremona, Ý.
Cấu tạo cây đàn violin đã trải qua một số lần thay đổi. Khi quy mô nhà hát bắt đầu mở rộng vào giữa thế kỉ 19, những nhạc cụ dây được yêu cầu phải phát ra âm thanh mạnh mẽ hơn, vì thế độ căng của dây được nâng lên bằng cách ngả bàn phím xuống. Dây ruột mèo được sử dụng cho đến năm 1700 khi dây sol thường được cuốn dây kim loại để tạo nên âm sắc sáng hơn. Đến nay dây thép đã trở nên phổ biến.
Lịch sử biểu diễn
Vào thế kỉ 14 và thế kỉ 15 những người nông dân kéo đàn cho những điệu nhảy vốn đã là một phần quen thuộc của đời sống nông thôn. Tuy nhiên sáng tác âm nhạc phát triển trong và sau thời kì Phục hưng đã làm cho violin trở thành một bộ phận chủ chốt của dàn nhạc, còn những nhà soạn nhạc như Monteverdi đã bắt đầu sử dụng nó một cách rộng rãi trong dàn nhạc vào thế kỉ 17. Cho đến khi đó nhạc cụ chủ yếu là các đàn dây thuộc họ viol – những nhạc cụ có bề ngoài giống nhưng có cấu tạo khác violin – nhưng âm sắc cao của violin và khả năng chơi những giai điệu nhanh và chính xác lại thích hợp hơn cho thứ âm nhạc mới được sáng tác vào thời Baroque. Năm 1700 Archangelo Corelli đã viết sáu bản sonata nhà thờ và sáu bản sonata thính phòng cho violin và dàn nhạc quy mô nhỏ. Bộ tác phẩm opus 5 này là một bản tổng kết cho các thể loại trong thế kỉ trước đó và đã được biểu diễn trên toàn châu Âu. Trong những năm tiếp theo sự khác biệt giữa nhạc nhà thờ và nhạc thính phòng đã biến mất.
Nhiều nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ violin như Vivaldi, Tartini và Locatelli đã tạo nên những tác phẩm cho violin với độ phức tạp ngày càng cao. Tổ khúc Le quattro stagioni (Bốn mùa) của Vivaldi được viết vào năm 1725 nổi tiếng vào thời đó cũng không kém gì ngày nay. Bản thân Vivaldi là một nghệ sĩ violin thiên tài; có những lúc ông đã làm kinh ngạc khán giả khi chơi những điệu nhạc mà nhiều người xem là không thể chơi. Vậy mà ông còn sáng tác đến 220 bản concerto khác cho violin mà nhiều bản trong số đó đã chứng tỏ kĩ thuật và hòa âm đầy sáng tạo của Vivaldi.
Âm nhạc cho violin độc tấu đã có bước phát triển rất dài từ những điệu nhảy đồng quê, và cho đến cuối những năm 1600 những nhà soạn nhạc như Biber đã viết nên những bản nhạc dài hơn cho violin. Sáu bản sonata và partita cho violin được J.S. Bach sáng tác năm 1720 đến nay vẫn được xem là nền tảng cho trình diễn độc tấu, có một không hai cả về khía cạnh nghệ thuật và kĩ thuật của nhạc cụ này. Bộ tác phẩm âm nhạc này có quy mô khá lớn: mỗi partita hoặc sonata bao gồm một số chương nhạc; riêng bản partita số 2 có chương cuối là một bản chaconne – một tác phẩm dài 15 phút nhưng có tầm cỡ đến nỗi Brahms và Busoni sau này đã phổ thành bản nhạc cho piano.
Kĩ thuật chơi violin đã phát triển rất nhanh chóng do đòi hỏi ngày càng cao của âm nhạc. Mozart đã biểu diễn violin chuyên nghiệp khi còn rất trẻ và đã viết 26 sonata cho violin và đàn phím cùng 5 bản concerto trong đó 3 bản cuối cùng đã trở thành những tác phẩm hoà nhạc mẫu mực. Bản concerto được ưa chuộng nhất là bản số 5 với chương III được mang tên Hành khúc Thổ Nhĩ Kì.
Những thành tựu của Mozart là nguồn cảm hứng cho Beethoven và Schubert. Beethoven, tuy là một nghệ sĩ piano thiên tài nhưng lại không phải là một nhạc công violin tài giỏi. Tuy vậy Beethoven đã bắt đầu sáng tác cho violin từ sau thời của Mozart, nâng cao đòi hỏi về kĩ thuật đối với người chơi, nhấn mạnh sự hòa hợp giữa người chơi đàn phím và nghệ sĩ độc tấu. Concerto cho violin của Beethoven đã đặt ra một nền tảng mới. Mặc dù vậy Concerto cho violin của Beethoven đã không được hiểu một cách trọn vẹn cho đến khi Joseph Joachim – một nghệ sĩ violin trẻ tuổi – hồi sinh tác phẩm trong một buổi hòa nhạc do Mendelssohn chỉ huy vào năm 1844.
Joachim đã được nhiều nhà soạn nhạc đề tặng tác phẩm như Mendelssohn, Dvorak, Bruch, Brahms và Schumann. Bản Concerto số 1 của Bruch và bản Concerto của Mendelssohn là hai bản nhạc nổi tiếng nhất trong số đó. Tuy nhiên tác phẩm của Schumann – được viết khi tác giả đang đau ốm – là một nỗi thất vọng lớn đến nỗi Joachim vẫn giữ bản nhạc nhưng không biểu diễn vì lo ngại sẽ làm hỏng thanh danh của nhà soạn nhạc thiên tài ấy. Bản Concerto của Brahms được Brahms và Joachim hợp tác để viết nên được nhiều người coi là bản concerto cho violin chuẩn mực.
Concerto cho violin của Tchaikovsky được viết năm 1878 là một tác phẩm khó và cũng được ưa chuộng khác, nhưng đứng đầu về độ khó kĩ thuật phải kể đến những bản capriccio độc tấu được Nicolo Paganini sáng tác vào đầu thế kỉ 19. Kĩ thuật của Paganini gây sửng sốt đến nỗi người ta cho rằng xác của ông đã không được chôn tại Nice trong vùng đất thánh do tin đồn khả năng ông có được là do ma quỷ. Paganini có lẽ là nghệ sĩ violin chơi nhanh và kĩ thuật nhất từ trước tới nay: ông chơi bản Moto perpetuo của chính mình trong vòng 3:03 – tương ứng với 12 nốt một giây – điều này được ghi trong sách kỉ lục Guinness.
Thế kỉ 20 chứng kiến nhiều bản concerto cho violin mới tham gia vào kho tàng vốn đã rất khổng lồ, và hầu như tất cả những nhà soạn nhạc lớn đều đã từng viết thể loại này: Sibelius, Glazunov, Reger, Elgar, Bloch, Nielsen, Delius, Szymanowski, Schoenberg, Hindemith, Bartok, Walton, Britten, Berg, Stravinsky, Prokofiev, Khachaturian, Shostakovich... Những tác phẩm này phản ánh khá rõ tâm tư của người sáng tác. Concerto số 2 của Bartok được nhìn nhận như một trong những tuyệt tác của thế kỉ và được biểu diễn khá rộng rãi bất kể độ khó bất thường về kĩ thuật và nhạc cảm của nó. Concerto số 1 của Shostakovich được viết tặng David Oistrakh, được cất giấu trong ngăn kéo từ 1948 đến 1955 vì lí do chính trị. Trong khi Concerto của Elgar mơ mộng về một thế giới không có thật thì các sonata cho violin của Ravel lại phảng phất nét buồn. Concerto của Berg dù không được đón nhận từ buổi ra mắt do giai điệu khó nghe của nó đã được xem là một kiệt tác hiện đại và được đánh giá là ấm áp và cảm động. Schoenberg đã nói rằng bản Concerto của ông đòi hỏi người chơi phải dùng 6 ngón tay. Concerto của Khachaturian, tuy không có được danh tiếng tương xứng, là một tác phẩm mạnh mẽ và lôi cuốn, lấy cảm hứng từ âm nhạc của Armenia.
Đã có nhiều nhạc công chơi violin nổi bật, hình thành nên "kỉ nguyên vàng" vào giữa những năm 30 và những năm 50 của thế kỉ trước với những tên tuổi bậc thầy như Heifetz, Oistrakh, Szeryng, Ricci, Menuhin, Stern, Francescatti, Elman, Milstein và Grumiaux.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment